Một chung cư ngoài đời thực cũ kỹ với những khung cửa sổ sắt trở nên sáng sủa khi tô điểm với màu xanh da trời trong bức vẽ “Bình yên” tham giaSaigon Makeover.
Chân cầu Thủ Thiêm không còn nặng nề, xám xịt nữa mà trở nên thân thiện, vui tươi hơn với bảy sắc cầu vồng.
Hầm Thủ Thiêm với hình ảnh con chim phượng tung đôi cánh muôn màu đang từ miệng hầm bay ra thế giới ngoài kia đầy tự do. Ý tưởng đầy màu sắc này giúp hầm Thủ Thiêm thu hút hơn.
Ý tưởng tô điểm cho khu bến Bình Đông bằng những mảng màu rực rỡ của tác giả Nguyễn Hoàng Phát, với mong muốn biến nơi đây thành một đảo Burano (Italy) thu nhỏ của Sài Gòn để những ngôi nhà cũ kỹ trở nên vui tươi, đầy sức sống.
Những chiếc xe rác được đặt ngăn nắp sau một ngày làm việc vất vả là cảnh tượng thường thấy ở TP HCM. Tuy vậy, không ít người xem đó là một thứ gì đó “thừa” của Sài Gòn.Ý tưởng “Khi xe rác làm nghệ thuật” nhằm sơn lại xe rác với những dòng chữ nổi bật như “Beautiful Saigon”, “Cool Saigon”.
Những con hẻm nhỏ, yên bình giữa lòng thành phố trở thành một phần rất riêng của Sài Gòn. Ý tưởng “hẻm vàng” về con hẻm rực sắc vàng của cánh đồng lúa với những cô thôn nữ đi gặt sẽ giúp người dân vui vẻ và thoải mái hơn, thay vì đối diện với 2 bức tường chật hẹp và khô khan. Mong mỏi của tác giả là giữ lại sự thanh bình và nhịp sống chậm rãi của hẻm nhỏ trước sự chen chúc, xô bồthành thị.
Ý tưởng “con đường tình yêu” trên Đại lộ Đông Tây nối liền hai đầu thành phố giúp xua tan cảm giác mệt mỏi trong cái nắng oi bức của Sài Gòn mùa hè. Tông màu hồng ngọt ngào đi kèm giàn hoa giấy và những chi tiết sơn tường mang thông điệp yêu thương với hy vọng giúp quãng đường như ngắn lại.
Gầm cầu, nơi cư trú của những cư dân lang thang, không nhà và rất nhiều trẻ em đường phố. Tác giả muốn thay “tà áo mới” cho không gian này bằng bức tranh các chữ cái, hình minh họa dựa trên nội dung của cuốn sách tiếng Việt, với hy vọng người lớn sẽ dạy cho các em nhỏ chữ cái này.Tác giả mong muốn trẻ nhỏ sẽ ê a đọc chữ mỗi sáng, mỗi đêm và thức dậy với màu sắc tươi mới để từ đó nhen nhóm ngọn lửa khát khao sự vươn lên, học tập để thoát nghèo. Ý tưởng này được đánh giá là nhân văn và giàu tính ứng dụng trong cuộc thi.
Ý tưởng “Hành trình” của tác giả ở đoạn hầm cầu chui Văn Thánh, như một món quà đồng cảm với công việc của những bác tài.Những cánh chim là hình ảnh phản chiếu hành trình của họ như lời cầu chúc hành trình an toàn, bớt căng thẳng.
Ý tưởng “Cứ ngủ say” của tác giả Nguyễn Minh Quang, dùng hình ảnh của các cậu bé mục đồng đang nằm ngủ ngon lành dưới bóng mát của giàn hoa giấy để “canh” giấc trưa cho những người lao động. Sài Gòn có những góc bình yên trong nhịp sống hối hả.
Lê Hoàng Yến mang đến ý tưởng điểm tô Hồ Con Rùa, nơi gắn bó với nhịp sống của người trẻ Sài Gòn bằng những bức tranh mây trời và cầu thang bảy sắc cầu vồng. Sẽ thú vị và nhiều cảm xúc hơn khi người dân thành phố cùng ngồi chơi, uống trà sữa, đàn hát… bên không gian đầy màu sắc thế này.
Tác phẩm của Nguyễn Trung Túc là tạo một cầu vồng từ vỏ chai nước uống đã qua sử dụng nhằm đem đến sắc màu vui tươi và thông điệp: “Hãy làm đẹp cuộc sống xung quanh bạn bằng chính những thứ bỏ đi”. Ý tưởng này dự định được triển khai ở công viên 30/4.
(Nguồn: Saigon Makeover)