Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch giai đoạn 2006-2015 khách du lịch đến vùng ĐBSCL tăng trung bình 11%/năm, trong đó khách du lịch quốc tế tăng 8,45%/năm, khách du lịch nội địa tăng 11,98%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình 23,6%/năm.
Riêng trong năm 2015, toàn vùng đón tiếp và phục vụ trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế, đứng thứ 4 sau vùng Đông nam bộ, Đồng bằng Sông Hồng, duyên hải Đông Bắc, duyên hải Nam Trung Bộ, chiếm 8,27% lượng khách Quốc tế đến Việt Nam và 10,63 triệu lượt khách nội địa. Năm 2015 tổng số khách nội địa đến ĐBSCL chiếm 18.134.010 lượt, đứng thứ 3 trong cả nước.
Cũng trong năm 2015, tổng thu của ngành du lịch ĐBSCL đạt 8.636 tỷ đồng, tuy nhiên con số chiếm chưa tới 3% tổng thu từ khách du lịch của cả nước, mặc dù ĐBSCL đứng ở vị trí trung bình so với cả nước.
Ông Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch cho biết Cần Thơ cần phải phát huy tối vai trò trung tâm của vùng.
Nhìn một cách tổng thể và so sánh với các vùng khác thì du lịch ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng do công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được tổ chức một cách chuyên nghiệp, chiến lược ngắn hạn, dài hạn chưa thống nhất, chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong quảng bá xúc tiến du lịch…
Tại hội thảo ông Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã đề nghị các địa phương cần chú trọng nghiên cứu thị trường và những xu hướng mới của các thị trường khách du lịch đến vùng; đẩy mạnh xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp; khai thác triệt để các yếu tố đặc thù, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch vùng có tính cạnh tranh cao; tăng cường vai trò của hợp tác liên kết vùng, Cần Thơ phải phát huy tối đa vai trò trung tâm của vùng, đẩy mạnh kết nối trong nội vùng mà mở rộng với các vùng khác.
Phạm Tâm