Từ thị trấn huyện đi lên theo quốc lộ 19 chừng 3 cây số, bạn sẽ đến chợ Huyện. Cái chợ huyện thuộc thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, Tuy Phước, Bình Định cũng giống như biết bao cái chợ ở miền Trung gian khổ ấy nhưng lại là quê hương không chỉ nổi tiếng với các danh nhân như Xuân Diệu, Đào Tấn mà còn được người ta biết đến với những đặc sản như bánh canh chả cá, nem chợ Huyện…
Gọi là nem chợ Huyện bởi nem được chế biến ở Tuy Phước gần chợ huyện nên nem gắn liền với tên chợ. Nem chợ Huyện đủ vị, mặn, ngọt, dai, béo, giòn… Được phổ biến trong bữa ăn hàng ngày cho đến các dịp cưới hỏi, giỗ chạp. Chiếc nem bé bỏng được xem là một trong những đặc trưng của người Bình Định:
Ai về Tuy Phước ăn nem Ghé qua Hưng Thạnh mà xem tháp Chàm.
Không chỉ vậy, chiếc nem còn là một thú ẩm thực khi đi kèm với những đêm hát tuồng thâu đêm suốt sáng.
Nem chợ Huyện được làm từ thịt heo cỏ từ 6 đến 8 tháng tuổi, nặng chừng 60 ký và có nhiều nạc. Thịt được lấy từ bốn đùi, khoảng 15 ký. Muốn nem ngon thịt nạc phải săn, tươi, lấy khi heo mới được thịt. Thịt còn nóng, đỏ sẫm, lọc sạch mỡ, lớp nhầy, lấy vải sạch lau khô; cắt ngang thớ khoảng 3 phân, thái nhỏ rồi cho vào cối quết nhuyễn chừng 30 phút.
Cẩn thận hơn phải là thứ cối xứ Quảng, vừa trơn láng vừa sâu lòng. Cối đá thường dùng tốt nhất là đá Non Nước Đà Nẵng màu trắng có vân đen, mịn láng. Khi quết phải đều tay, quết liên tục không ngừng, nếu mỏi phải trao chày cho người khác ngay lập tức. Một người quết, một người trông chừng nhanh tay nêm chút đường, muối theo tỉ lệ đã quy định sẵn rồi tiếp tục quết cho đến khi thịt “chín”; tiếp tục thêm tiêu hạt, tỏi bóc vỏ xắt mỏng, chút nước mắm kho và da heo lạng kĩ mỡ xắt sợi mịn như tóc hoặc xắt hạt lựu trộn đều. Thường khâu quết thịt cần sức của người đàn ông khỏe mạnh mới quết bền tay.
Có hai loại nem, nem tươi và nem chua. Sau khi thịt heo đã quết “chín” và gia giảm đầy đủ, vắt thành viên hình bầu dục. Khi ăn, nem được xiên qua một cái que tre, cứ mười chiếc một. Xâu nem đặt trên bếp than không quá rực; xoay que nem đều tay, thỉnh thoảng thoa mỡ lên xâu nem. Đó chính là nem tươi, nem ăn ngay.
Nem nướng chín, mùi thơm ngào ngạt, ăn kèm rau mùi (ngò rí), tía tô, rau răm, chuối hột bào mỏng, khế bào mỏng, dưa leo xắt khoanh, tỏi bóc vỏ, ớt cay chấm với xì dầu hoặc nước chấm có pha đậu phụng rang đâm nhuyễn thêm đường và ớt tỏi. Nem chua là nem vắt thành từng vắt nhỏ cỡ quả cau, gói bằng lá ổi bánh tẻ hoặc lá vông sau đó bọc ngoài bằng lá chuối hột xanh.
Để nem khi đến độ chín vừa chua lại vừa ngọt, dai mà lại giòn, thì sau khi xay thịt không gói ngay mà ủ thêm một ngày để thấm gia vị. Muốn nem nhanh chua thì cho nhiều tỏi, gia vị. Ngược lại, để nem giữ lâu, cung cấp đi xa thì cho ít gia vị. Khi gói, nhất thiết phải có lá ổi bọc thịt, để hút ẩm. Rồi bọc thêm lớp ni lông ngoài cho kín hơi, không bị mốc. Thường thì khi gói người ta sẽ gói hai lọn nem thành một, lấy lạt buộc chặt và đem treo ở nơi thoáng mát.
Nem sau khi gói nếu mùa nắng để thêm bốn đến năm ngày thì sẽ thành món nem chua chợ Huyện hồng tươi, có độ cứng, giòn, dai, vị thanh thanh, chua chua, ngọt ngọt của thịt lên men, vị cay của tiêu hột, cùng vị chan chát của lá ổi, vị cay the đặc trưng của tỏi cùng độ giòn sần sật của da heo xắt chỉ.
Nem chua dùng với nước chấm là xì dầu hoặc nước mắm nhĩ Gò Bồi pha với tương ớt để tăng vị, thêm mấy tép tỏi bóc vỏ, ớt xanh ăn kèm, mấy người đàn ông gặp nhau “kê” thêm ly rượu Bàu Đá như câu ca: “Rượu ngon Bầu Đá mê li/ Gặp nem chợ Huyện bỏ đi sao đành?” thì vị ngon ấy khiến họ say hồi nào hổng biết!
Ở thôn Hanh Quang (Tuy Phước, Bình Định) có bà Đào Thị Quyền tuổi cũng xấp xỉ “thất thập cổ lai hy” chủ cơ sở Bảy Liêm nối nghề trăm năm của gia tộc bên chồng. Nghề làm nem truyền thống của gia tộc bắt đầu từ thời ông nội chồng đã vang danh vị ngon nổi tiếng chợ Huyện với thương hiệu Bảy Ù. Đến thời bà đổi thành Bảy Liêm (tên chồng) và cái tên ấy thành thói quen của người Bình Định khi nhắc đến nem chua thì nhắc đến nem Bảy Ù.
Mỗi ngày bà bán trên dưới 100 ký nem. 10 người con của bà đều theo nghề truyền thống gia đình. Ngoài nem Bảy Ù, ở Bình Định còn có các thương hiệu nem vang danh như Năm Thu, Bốn Lai, Bốn Tạo… Nem chợ Huyện không chỉ giới hạn trong tỉnh Bình Định nhỏ bé mà theo chân người đi xa muôn hướng: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Gia Lai, Khánh Hòa, Sài Gòn… Và góp mặt trong các siêu thị lớn ở Quy Nhơn, Quảng Ngãi.
Có nhiều sản vật giờ chỉ còn trong kí ức nhưng nem chợ Huyện không những vẫn tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn xưa. Bạn về xứ Bàn Đồ ngắm tháp Chăm, ăn tô bún chả cá, tráng miệng bằng bánh ít lá gai thì đừng quên chiếc nem chua chợ Huyện be bé mà nên nét đặc trưng của ẩm thực Bình Định.
Biết đâu ăn miếng nem chua rồi chân chưa rời mà nỗi nhớ đã quấn quít…
V.H
* Trích từ loạt bài “Hành trình tìm kiếm món ăn dân dã truyền thống ẩm thực ba miền” dành riêng cho chương trình Chiếc Thìa Vàng 2014