Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, 8 tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn và có tốc độ tăng trưởng cao nhất vẫn là khách đến từ thị trường Châu Á. Cụ thể khách đến từ Hàn Quốc đạt 2,8 triệu lượt khách (tăng 22,5% so với năm 2018), khách đến từ Nhật Bản tăng 13,7%, Đài Loan tăng 27,1%. Thái Lan là thị trường có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất với 46,3%, cán mốc 310 nghìn lượt khách.
Đáng chú ý, khách Trung Quốc dù vẫn đứng đầu lượng khách quốc tế đến Việt Nam với hơn 3,3 triệu lượt nhưng giảm nhẹ khoảng 0,9%.
Trong thời gian qua, ngành du lịch đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng: Triển khai các giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế, nội địa, đạt mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng của ngành du lịch năm 2019; hoàn thiện và báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”; đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2019 với hơn 50 sự kiện do Việt Nam chủ trì hoặc phối hợp; hoạt động xúc tiến quảng bá chủ động, chuyên nghiệp hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng các đại biểu dự Hội nghị phát động chiến dịch “Du lịch xanh” – một trong những giải pháp tăng cường thu hút du khách quốc tế, phát triển du lịch bền vững
Trong đó, điểm nhấn là Hội chợ Travex tại Hạ Long với 351 gian hàng, 340 người mua, 640 người bán và 120 báo chí quốc tế; quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên; tham gia 6 hội chợ du lịch quốc tế; tổ chức 8 roadshow tại các nước ASEAN, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và mở văn phòng đại diện xúc tiến du lịch đầu tiên tại Hàn Quốc theo mô hình liên kết công-tư; ban hành bộ tài liệu hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương để có cách hiểu đúng về các bộ chỉ số…
Các tỉnh, thành phố chủ động xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch trên địa bàn tỉnh gắn với liên kết vùng; nhiều công trình hạ tầng quan trọng (hệ thống đường cao tốc, cảng biển, sân bay) đưa vào khai thác đã góp phần tích cực trong phát triển du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế cần tập trung khắc phục như: Công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều thiếu sót, rác thải ô nhiễm, tai nạn ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch tại các điểm du lịch còn xảy ra, đặc biệt vào các dịp lễ hội, mùa cao điểm du lịch; ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động du lịch chưa cao.
Trong những tháng cuối năm 2019, du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì thúc đẩy, tăng trưởng về khách du lịch quốc tế và nội địa; tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến thu hút khách du lịch, hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong năm 2019; thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; tổ chức thành công lễ vinh danh các doanh nghiệp du lịch hàng đầu tạo động lực lan tỏa và tăng cường năng lực cạnh tranh; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển du lịch, hướng dẫn viên…
Dự kiến hết năm 2019, ngành du lịch sẽ đón, phục vụ khoảng 17,5 – 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng.