Ngỡ lạc về thời kì cổ đại với 8 điểm check-in hot nhất Bắc Kinh

Tác giả: Hoàng AnhĐăng ngày: 26/11/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Đã bao giờ bạn thắc mắc về thời vàng son một thuở trong những bộ phim Trung Quốc mà mình được xem từ tấm bé? Liệu những hoàng cung, hồ nước, vườn hoa,… khi tận mắt nhìn thấy ngoài đời có đẹp như ta đã tưởng? Hãy theo chân cô bạn đam mê Trung Quốc từ tấm bé thực hiện ước mơ được đặt chân đến Bắc Kinh của mình nhé!

Ngày bé mình hay xem phim Trung Quốc nhiều, lớn lên ao ước một lần được đến Tử Cấm Thành xem hoàng cung, ao ước một lần được đi Vạn Lý Trường Thành. Thích Trung Quốc lắm, thích mê mệt. Đi Trung Quốc mấy lần nhưng toàn lom dom mấy tỉnh phía Nam gần gần Việt Nam thôi. Càng đi càng yêu, càng si mê, càng thấy Trung Quốc đẹp. Thế nên năm nay quyết định qua Trung Quốc làm luôn. May mắn là được làm việc ở Bắc Kinh nên cũng thực hiện được mong muốn làm công chúa trong hoàng cung hồi bé. Bắc Kinh đẹp, vừa hiện đại, vừa pha trộn nét cổ kính. Bốn mùa xuân hạ thu đông rõ ràng. Quan trọng là năm nay tình hình ô nhiễm cũng giảm hẳn, trời xanh trong vắt, thi thoảng lắm mới có ngày chỉ số ô nhiễm 200 – 300.

Mình đang sống ở Bắc Kinh chứ không phải đi tour và cũng không phải đi du lịch tự túc. Tính mình máu đi, mấy cái chỗ vui vui ở Bắc Kinh mình lượn đi lượn lại bao lần rồi. Vậy nên ai đọc thì đọc kĩ giúp mình nha, đừng nhắn tin hỏi mình đi hết bao nhiêu. Mình cũng không viết kiểu giật gân ” 10 triệu đi khắp Bắc Kinh ” vì Bắc Kinh là một thành phố khá đắt đỏ. 10 triệu đi được tour, đi tự túc thì thôi đừng đi nhá, săn đc vé rẻ cũng chẳng đi được với 10 triệu đâu. Đi tour cũng tiện, rẻ hơn mà không khám phá được hết, Bắc Kinh rộng lớn quá mà.

Visa

Mọi người tự làm nếu có thời gian cả đầy đủ giấy tờ. Còn không thì nhờ dịch vụ cho nhanh, hiện nay thì phí làm visa nhờ dịch vụ theo mình biết là rơi vào 60$ đến 65$ tùy chỗ nhé.

Đi lại

Có nhiều cách để đến Bắc Kinh:

– Máy bay: Săn vé máy bay giá rẻ nếu bạn nghèo như mình. Còn nếu bạn giàu thì bạn cứ mua thôi. Nhanh gọn tiện lợi. Mà không biết thế nào chứ đợt đi săn mãi không được. Một chiều toàn 5 triệu trở lên thôi. Chắc do mùa cao điểm.

– Tàu liên vận Hà Nội – Bắc Kinh: Vé một chiều tầm 4,5 triệu, đắt quá đắt so với máy bay. Nằm 45 tiếng trên tàu. Không nên đi cách này vừa đắt vừa mệt mỏi. Nếu là người giàu về cả vật chất lẫn thời gian, thích vui đùa và trải nghiệm, không ngại thời gian của thì hãy đi.

– Đi tàu, xe sang Trung Quốc rồi bay nội địa: Giá rẻ nhất cho cách đi nhanh nhất nhé. Ví dụ đi tàu sang Nam Ninh rồi bay nội địa Nam Ninh – Bắc Kinh. Hoặc bạn thích đi sang đâu thì sang, tóm lại là sang chỗ có sân bay rồi bay nội địa cho rẻ

– Ngược lại với cách trên: Bay sang mấy tỉnh phía nam Trung Quốc kiểu Quảng Châu ý, vé Quảng Châu rẻ như cho. Xong đi tàu đi đến Bắc Kinh.

– Cách rẻ nhất: Cho người thích đi lang thang, không say tàu xe. Tàu liên vận hoặc xe khách Hà Nội – Nam Ninh, sau đó book vé giường nằm Nam Ninh – Bắc Kinh. Đến Nam Ninh lượn lờ mấy tiếng cho biết xong tối lên tàu đi tiếp,tự dưng check-in được 2 thành phố luôn oách chưa. Tàu liên vận khoảng 750K hoặc xe khách 600K, vé Nam Ninh – Bắc Kinh giường nằm hơn 500 tệ thì phải, có nhiều chuyến nhưng chuyến ngắn nhất là tàu chạy 23 tiếng. Cách này so với cách 2 vừa rẻ vừa đỡ mệt hơn. Nhưng mà cần có kinh nghiệm tìm tàu, chuyển tàu. Cách 2 chỉ nằm là đến thôi. Tìm tàu chuyển tàu dễ như đi chợ. Không lo.

Chỗ ở

Bắc Kinh là nơi mà giá thuê phòng đắt nhất nhì Trung Quốc. Lạy chúa nó đắt thật. Mình hôm đến Bắc Kinh do đến muộn quá người ta không có ai đón nên mình book dorm 80 tệ/đêm ở hostel Beijing Sunrise Youth Hostel Beihai Brand ở tạm, phòng riêng tầm 300 tệ. Ngay trung tâm, cách Thiên An Môn 3km. Hostel này chuyên nghiệp mà đông Tây kinh khủng. Kể cả người Trung Quốc cũng ở luôn. Muốn book phòng, khảo giá thì cứ booking.com mà triển. Mình đi đâu cũng book trên đấy hết.

Di chuyển ở Bắc Kinh

Lại là nếu bạn giàu thì bạn đi taxi, còn nghèo thì đi subway như mình. Bắc Kinh rộng lắm, đi taxi chết tiền đấy. Giàu thì cũng đi subway Bắc Kinh một lần cho biết nó hoành tráng, tiện lợi và cũng… kinh khủng. Tương tự, muốn biết Bắc Kinh đông dân như nào cứ lên subway. Đảm bảo trải nghiệm không bao giờ quên. Bên này cứ lạc đường là chỉ cần tìm một trạm subway bất kì rồi sau đó subway sẽ đưa bạn về nhà. Download app MetroMap, hoặc dùng các maps online để chúng nó hướng dẫn bạn đi. Mình thì có ảnh các lines subway, thích đi đâu thì xem ảnh xong tự tìm đường. Đơn giản lắm. Nhưng nhiều lines quá với cả phải chuyển line nên sẽ gây lú cho người chưa đi subway bao giờ nha.

– Đi bus cũng khá ổn đấy, hệ thống bus cũng kinh hoàng không kém với khoảng 150 tuyến nhưng rất mất thời gian chờ đợi cả nhiều khi tắc đường không nhanh như subway.

Thời điểm đi Bắc Kinh

Thời điểm đẹp nhất đi Bắc Kinh theo mình là từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11. Thời tiết hơi lạnh, trời đẹp, lá vàng nhiều. Mùa đông và mùa xuân cũng rất đáng đi. Mùa đông giá vé và phòng sẽ rẻ hơn do là mùa thấp điểm. Mùa hè thì thôi đừng đi, mùa cao điểm du lịch nên đi đâu cũng sợ hãi lắm. Cả ngày lễ nữa nhé, tránh xa không đi nhìn người thôi, không chụp ảnh được đâu ạ.

Tiền tệ

Mình cứ đổ theo thói quen thôi, đổi tiền cứ ra Hà Trung lượn, chỗ nào rẻ nhất thì đổi. Nhớ hỏi đổi nhiều có bớt tỉ giá không.

Đến Bắc Kinh đi đâu

Mình không có mục lịch trình vì đúng là mình không có lịch trình. Mình cứ tuần nghỉ 2 ngày là xách đít đi chơi lê la khắp mọi nơi nên mình sẽ viết ở mục này những điểm đáng đi nhất, bao gồm ăn uống vui chơi, giá cả rõ ràng. Viết gì mình cũng ghi rõ giá cả cho mọi người dễ tính.

1. Thiên An Môn – Tử Cấm Thành:

– Mình đi quảng trường Thiên An Môn – Tử Cấm Thành 4 lần, lần đầu đi đến nơi hết vé, lần hai đi thì đúng thứ 2 Tử Cấm Thành đóng cửa, lần ba đi một mình không có ai chụp ảnh cho, nhờ chụp hơi lởm nên quyết định quay lại lần bốn chụp một bộ ảnh đẹp mới chịu. Vậy nên sau 4 lần đau thương thì kinh nghiệm là không đi vào thứ 2, không đi mùa cao điểm vì không có vé, không đi một mình vì cảnh đẹp lồng lộn mà không ai chụp ảnh đẹp cho. Tử Cấm Thành mở cửa đến 4h chiều. Quảng trường Thiên An Môn lúc nào cũng mở, thích nửa đêm ra chơi cũng được. Thấy các bạn Trung Quốc thích đến đây buổi tối, lên đèn trông cũng đẹp lắm.

– Để đến Thiên An Môn thì sáng cần ăn sáng thật no, sau đó nếu ở gần trung tâm thì bắt taxi cho nhanh, còn xa thì subway line 1, trạm TianAnMen East, exit D. Từ exit D nhìn sang bên phải đi ngược lại sẽ thấy chỗ check đồ, check passport. Check xong ra khỏi chỗ check là thấy quảng trường Thiên An Môn. Nhưng thấy thôi chứ muốn qua chơi bời chụp ảnh thì phải đi xuống cái hầm bên phải. Xuống hầm có 2 lối, rẽ trái là ra quảng trường để chụp ảnh với toàn cảnh Thiên An Môn đằng sau. Đi thẳng là lối vào cổng Thiên An Môn, vẫn chụp được với Thiên An Môn nhưng to hơn.

– Đến cổng Thiên An Môn cứ tự nhiên qua cầu vào bên trong, không bán vé. Đi qua một cổng, xong đi tiếp một cổng nữa sẽ thấy Tử Cấm Thành bên trong. Đừng ngây thơ vào đi thẳng vào vì bạn làm gì có vé. Thiên An Môn miễn phí còn Tử Cấm Thành thì không nhé. Đầy người đến lơ ngơ chả biết mua vé ở đâu bị mắng rồi đấy. Quầy vé cho người nước ngoài bé tí hon, không xinh xinh nằm ở bên phải lối vào. Trình passport ra để mua vé với giá 40 tệ. Số passport chính là vé vào. Trình passport xong check choác một lần nữa là a lê hấp biến thành công chúa hoàng cung.

– Nhìn chung quảng trường Thiên An Môn không có gì đặc biệt ngoài to và đẹp. Hoàng cung xem trong phim như nào thì Tử Cấm Thành ngoài lộng lẫy hơn 100 lần. Một từ đẹp lộng lẫy là không đủ nhé. Vào đến nơi đừng có vỡ oà ra đấy.

À lúc đi vào có cái quầy cho thuê cái cục gì gì kiểu nó giới thiệu cả hướng dẫn mình đi ý. Nhiều loại tiếng lắm, tiếng Việt cũng có. 20 tệ. Bạn mình thuê còn mình tiếc tiền nên mình không. Xong một hồi bạn bảo cái này không nghe được gì, mình vui lắm. Nhưng mà không nghe được có thể đổi.

– Vào bên trong rồi sao? Rồi chụp ảnh sống ảo chứ sao. Giơ máy lên bấm bừa cũng có ảnh đẹp. Cứ thế theo lối đi mà khám phá thôi. Mình đi 4 tiếng chẳng hết nổi một nửa Tử Cấm Thành vì chụp ảnh nhiều cả rộng quá nên mình đi ra. Chán làm công chúa rồi, trốn ra khỏi hoàng cung lên núi ngắm cảnh đẹp thôi. À thêm nữa là đừng mua đồ ăn bên trong nhé. Đói ráng chịu ra ngoài cổng ăn sẽ rẻ hơn rất rất nhiều.

Ra khỏi Tử Cấm Thành sẽ thấy đối diện là một cái công viên. Công viên JingShan. Nhìn đối diện thôi nhưng vẫn là đi qua hầm để sang. Vé vào 10 tệ mùa cao điểm, 2 tệ mùa thấp điểm, chán chả thèm dùng thẻ sinh viên quốc tế. Cái công viên này cũng đẹp. Cây cỏ, hoa lá, chim muông, cá cảnh gì cũng có. Nhưng mục đích chính là cái đỉnh đồi. Leo lên đấy chiêm ngưỡng toàn cảnh Tử Cấm Thành đẹp nao lòng, đẹp rung động. Tuy nhiên là đông người ghê gớm, để chụp được ảnh ở đấy thì cũng hết hơi. Cảm tưởng đông kiểu nếu có thể nhảy lên đầu bạn để chụp được ảnh thì người ta cũng sẵn sàng nhảy. Mà cảnh đẹp quá nếu quyết tâm chụp cả mặt dày, nhiều thời gian chờ đợi thì cũng được mấy kiểu tạm tạm như của mình.

Còn nếu quá mệt mỏi với sự bon chen thì qua chỗ cho thuê đồ vua với cách cách thuê một bộ chụp với ngai vàng cho oách. Chỉ có một ngai vàng, ai đến trước chụp trước, ai đến sau chụp sau. Chẳng ai tranh mất phần. 25 tệ một bộ được người ta chụp ảnh cho. Còn 15 tệ thì tự chụp. Chụp đến bao giờ đòi thì trả, không đòi thì cứ thế chụp. Có nhiều lựa chọn cho quần áo, mũ nón. Thích hoá thân thành công chúa thì thuê bộ công chúa, thích hoá thân thành vua thì thuê bộ vua. Còn đang mặc bộ công chúa mà thích hoá thân thành vua thì thanh toán tiền thuê tiếp bộ vua . Có 2 nhân viên diễn vai nô tì đứng bên cạnh làm nền nếu muốn. Xịn thế còn gì!

2. Phố Đi Bộ WangFuJing

Sau khi đi Tử Cấm Thành, công viên Jingsan thì vẫn còn nhiều thời gian, lượn luôn qua phố đi bộ Wangfujing ngay gần đấy. Phố đi bộ này ngày nào cũng đi bộ hết chứ không có 5 ngày đi xe, 2 ngày đi bộ như Hoàn Kiếm. Thích shopping, ăn uống, ngắm nhìn thành phố sầm uất thì qua đây. Từ công viên JingShan, đi qua hầm ngược sang bên lối ra Tử Cấm Thành bắt bus 103, đi 4 trạm nhảy xuống là thấy Wangfujing. Bus 103 luôn đông nên phải xếp hàng dài lắm chứ không có được leo luôn đâu nhá. Chuẩn bị sẵn 2 tệ tiền lẻ cho bus. Không có tiền lẻ thì đi bộ cũng được. Từ cổng Tử Cấm Thành rẽ bên phải đi bộ thẳng một đoạn xong nó có biển chỉ dẫn ý. Đi theo là đến.

Wangfujing có con đường kiểu street food. Nhiều món lắm, nhìn hoa mắt. Rắn rết bọ cạp gì cũng có. Không ăn mấy thứ kinh kinh ý nha. Vừa đắt vừa chán phèo. Mà nhìn chung cái đường ý xem vui vui chụp ảnh thì ok thôi, đồ ăn đắt mà theo cảm nhận của mình là không ngon. Xong đi loanh quanh cái phố đi bộ mà chụp ảnh. Chụp ảnh xong thì mua sắm, brand nào cũng có, mỗi tiền không có thôi. Ăn uống thì trà sữa Coco, Pizza Hut, Mc Donald’s, KFC đầy. Ăn xừ mấy cái ý cho ngon. Ăn uống 100 tệ một người cho thoải mái. Tiết kiệm thì 30 – 40 tệ.

Ăn chơi phè phỡn Wangfujing chán rồi thì đi đâu nữa? Đi về mà nghỉ ngơi chuẩn bị cho hôm sau đi chơi tiếp. Từ MC Donald’s nhìn sang bên trái có cái trung tâm thương mại, đi vào đấy theo hướng dẫn, đi thang máy xuống rồi rẽ phải tiếp tục đi thang máy xuống, tiếp tục rẽ phải là đến subway. Subway trong trung tâm thương mại, nghe hết hồn đúng không? Bắt subway về nhà nghỉ ngơi mai chơi tiếp. Hoặc thích ngắm Thiên An Môn về đêm thì lại đi subway có mỗi trạm là đến TianAnMen East. Quanh quẩn trung tâm thế thôi.

3. Vạn Lý Truờng Thành

“Đến Bắc Kinh không đi Vạn Lý Trường Thành không phải hảo hán”. Câu này các bạn đồng nghiệp mình nói suốt. Với mình thì nó khá là buồn tẻ, leo lên rồi lại leo xuống, cảnh không có gì khác biệt. Rừng núi và trường thành. Nhưng vẫn là một nơi đáng đến một lần trong đời. Theo mình được biết có 2 chỗ ở Bắc Kinh khu vực Vạn Lý Trường Thành: Badaling và Mutianyu Great Wall. Badaling đông hơn nhiều vì gần trung tâm hơn. Xô bồ lắm. Tính ghét nơi đông người nên mình chọn đi Mutianyu. Và đúng là như lời đồn, hôm đi chả có ma nào, trời thì đẹp xong chỉ có mình ta là lá la. Ảnh chụp mà lúc nhúc người trông đã thấy xấu rồi. Nên khuyên mọi người đi Mutianyu nha.

Đi Vạn Lý Trường Thành thì phải đi từ sáng sớm. 9 rưỡi sáng là mình đã lên đường rồi, hình như cũng không sớm lắm. Thêm nữa là chuẩn bị sức khoẻ tốt. Để đến Mutianyu không có subway nên là mọi người tự search cách đi trên map bằng bus nha. Mình ở gần sân bay nên mình leo con bus 916, giá vé 8 tệ, ngồi 2 tiếng rưỡi sóc long cả óc thì đến trạm HuaiRouBeiDaJie, chạy qua bên đối diện chờ chuyến bus H27. Ở đó có rất nhiều người chào mời lôi kéo mình đi xe riêng của họ với giá đầu tiên là 10 tệ, xong sau đó mình làm mặt chảnh chó không đi thì họ bảo là 5 tệ. Việc của bạn là đi cái xe họ chào đó chứ đừng ngu si như mình, chảnh chó không thèm đi xong chờ 1 tiếng chả thấy bus đâu. Do nhiều người cảnh báo việc họ báo giá một đằng, đến nơi lấy tiền một nẻo nên kể cả các bạn Tây đều sợ không dám đi. Nhưng cứ mạnh dạn nói rõ ràng, họ không dám lấy hơn đâu. Đi xe riêng rõ sướng mà nhanh gọn chứ ngồi đấy mà chờ bus thì chỉ có ngắm Vạn Lý Trường Thành qua ảnh thôi.

Đi khoảng 20 phút là đến nơi. Vào mua vé. Vé vào cổng 60 tệ, vé cáp treo 1 chiều 100 tệ, 2 chiều 120 tệ, vé bus ra cáp treo 15 tệ. Chỉ giảm giá vé vào cổng cho thẻ sinh viên quốc tế, không giảm giá cho bus và cáp treo. 100 tệ và 120 tệ chả khác gì nhau nên mình chọn 120 tệ cho đỡ phải leo trèo mệt mỏi. Mình khuyên các bạn nên đi như thế hoặc đi cáp treo lên rồi leo xuống. Đi du lịch liên tục mệt lắm, hơi đâu mà leo lên. Leo lên đến nơi mệt bở hơi tai rồi còn đâu thần thái mà chụp ảnh.

Vạn Lý Trường Thành thì chỉ có thế thôi, leo lên leo xuống hết ngày. Tham quan xong tạt vào ăn uống. Giá đắt tí thì cũng chấp nhận. Mệt mà ạ. Ăn xong thành hảo hán rồi thì các hảo hán đi về thôi. Vẫn là gặp các bác xe riêng mời chào ngược ra bến bus nhưng lần này các bác chào 20 tệ. 10 tệ thì đi, không thôi, 20 tệ vẫn cứ là phải đi, không có sự lựa chọn nha. Về đến bến xe thì check map xem hostel ở đâu, bắt bus số bao nhiêu rồi về nghỉ ngơi hôm sau dẩy đầm tiếp.

4. Sân vận động Olympic Bắc Kinh

Sân vận động Olympic hợp để đến check in xong đi về thôi. Subway line 8 trạm Olympic Sports Center exit C. Nhìn thấy cái tổ chim to đùng ở đâu thì cứ thế đi đến ạ, tả cũng khó hiểu cơ. Mùa thu đến đây là đẹp lắm, cả ngàn cây ngân hạnh vàng rực ý. Gặp hôm nào nắng to ảnh cứ đẹp thôi rồi. Ăn uống ở đây cũng rẻ hơn trung tâm. Bên trong còn có Mc Donalds. Ăn luôn đấy cho tiện. Tối họ bật đèn nhấp nháy lấp lánh cũng đẹp. Có cái trò gì mà leo lên top ngắm cảnh thành phố ý. Nhưng mà 100 tệ nên là mình không đi. Chắc cũng đẹp lắm nhưng với mình bác Mao trên tờ tiền màu đỏ nhỏ xinh đẹp hơn cả nên mình đành thôi. Mà chỗ này không đáng dành cả ngày đi nên là đi ghép đâu đó cho đỡ phí một ngày nha.

5. Di Hòa Viên

Di Hoà Viên – cung điện mùa hè của Từ Hi Thái Hậu. Di Hoà Viên thiên về cảnh thiên nhiên với cây cối, sông hồ, núi rừng. Với mình thì cũng tàm tạm nhưng bạn mình lại rất thích. Chắc mình đi nhiều nơi na ná rồi nên mình thấy bình thường, không quá đặc biệt, được cái yên bình. Nhưng dù sao cũng là một địa điểm du lịch nổi tiếng được yêu thích. Để đến Di Hoà Viên mọi người đi subway line 4 trạm Beigongmen exit D. Từ exit D đi theo hướng bên trái, đi bộ 1 đoạn là thấy Summer Palace. Vé vào cổng 60 tệ, vẫn giảm 50% cho thẻ sinh viên. Vào trong mua bản đồ giấy màu vàng 10 tệ. Xem thì chẳng hiểu gì đâu vì bản đồ các bạn “Tung Của” gây lú lắm nhưng trông nó đẹp nên mua chụp ảnh thôi. Leo lên leo xuống, ngắm lên ngắm xuống.

Ra hồ Côn Minh thuê thuyền 60 tệ 4 người, 2 người 60 tệ, 1 người thì vẫn thế, 6 người trở lên 100 tệ hay sao ý. Cọc 300 tệ và nhất định không chịu giảm giá cho sinh viên quốc tế. Buồn. Thuyền được thuê 3 tiếng, quá 3 tiếng charge thêm 40 tệ. Thật ra nó giống đạp vịt ở hồ Tây nhưng khác cái là nó không phải hình con vịt, còn hình thức đạp thì như nhau. Đạp bở hơi tai ra giữa hồ, thả mình lạc trôi, cảm tưởng mình là kiếp sau của Từ Hy Thái Hậu đang vui vẻ bên cung điện mùa hè ngắm nhìn cõi phàm trần vui chơi. Lỡ thả mình lâu quá xong phát hiện ra sắp hết giờ thì lại đạp bở hơi tai đi về trả thuyền. Nhớ trả thuyền trả thẻ đúng trạm không lại bị bắt quay lại. Đồ ăn đồ uống trong Di Hoà Viên đắt cắt cổ. Chai nước 500ml 10 tệ, kem 15-20 tệ, cơm mì các thứ mình không ăn vì trông hơi chán.
Di Hoà Viên đi cũng hết cả một ngày.

– Lúc về cũng 5h chiều rồi. Từ exit của Di Hoà Viên đi bộ chán chê mê mỏi 2km để đến trạm subway. Các anh security đẹp trai, nhiệt tình đầy ở đường, hỏi các anh ý chỉ đường cho. Hôm mình hỏi cái anh ý dẫn đi cả cây số xong mới yên tâm. Người đâu tốt thế không biết.

– Ngoài ra vẫn còn Beihai park – cung điện mùa đông ở ngay gần cái hostel mình giới thiệu bên trên trông chả khác gì cung điện mùa hè. Khác mỗi mùa đông cả mùa hè. Tất nhiên Di Hoà Viên đẹp hơn vì Beihai giá vé có 10 tệ thôi

6. Phố Cổ Nanluoguxiang & Qianmen

2 con phố này như nhau. Kiểu phố cổ cổ xong đồ ăn thức uống tá lả. Hợp sống ảo cả ăn uống. Đi một bỏ qua một cũng được hoặc đi Qianmen thôi. Qianmen đẹp hơn, chụp ảnh tung chảo hơn là Nanluoguxiang. Đồ ăn đắt, chất lượng bình thường. Vịt quay ở Qianmen ăn cũng ngon. Để đến Nanluoguxiang bắt subway line 6, trạm Nanluoguxiang luôn. Thích ra exit nào thì ra. Còn Qianmen thì subway line 2, trạm Qianmen. Vẫn là ra exit nào cũng được. Tuỳ hứng nhé.

7. Rừng cây ngân hạnh Ginkgo forest

Đây chính là rừng cây lá vàng mà mình chụp ảnh. Điểm này người du lịch ít ai biết, cũng không có công ty nào mở tour này. Rừng toàn là cây ngân hạnh trồng thẳng tắp vun vút. Mùa thu đến đây thì thôi rồi, đẹp hơn cả Nami nhé. Mùa đông tuyết rơi phủ đầy rừng trắng xoá cũng đẹp lắm. Nên đến đây từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, lá vàng rực hẳn. Đi sớm quá nửa xanh nửa vàng vẫn đẹp nhưng vàng rực xong lá rụng bớt xuống nên đất chụp ảnh sẽ đẹp hơn.

Đi subway đến trạm Nanshao line Changping. Exit B. Sau đó bắt taxi 10 tệ là đến rừng. Đừng ngồi chờ bus không là sang năm mới đến rừng vì bus đi rất chậm. Không có chỗ nào bán đồ ăn thức uống đâu, rừng mở cửa free ai thích ra vào thế nào tuỳ, có hàng hoa quả ngay lối vào. Mình cứ thắc mắc mãi sao mà đẹp thế lại không có ai thu tiền. Thật lòng là muốn trả tiền tham quan cho cái điểm này mà không có ai thèm thu tiền. Ở Việt Nam là bị chặt đẹp 200 cành rồi cũng nên haha. Chụp ảnh chán chê đi ra ngoài đứng giả vờ ngó nghiêng một lúc đảm bảo có taxi mời đi ra subway, 15 tệ nha.

8. Thiên Tân

Thiên Tân không ở Bắc Kinh nhưng rất gần Bắc Kinh và hoàn toàn có thể đi trong ngày được. Thiên Tân rất đẹp, rất tây, cảm giác kiểu đang ở bên Châu Âu vậy, kiến trúc cổ điển rất là đẹp luôn nhé!

Đi subway line 4 đến trạm Beijing South Railway Station, exit D. Trạm này ở ngay trong ga tàu luôn rồi. Đi thẳng tìm chỗ Ticket Office mua vé cao tốc đi Tianjin. 54,5 tệ/vé, tàu chạy 300-350km/h nên ngồi chưa nóng đít đã đến nơi rồi. Đến nơi ra khỏi ga tàu là cả một thành phố đẹp xinh như châu Âu đập vào mắt, sống ảo hết bộ nhớ thì thôi. Tối bắt taxi chỗ con mắt Tianjin làm một vòng ngắm nhìn toàn thành phố về đêm. 70 tệ/vé. Rẻ hơn mà đẹp hơn quả 100 tệ ở Olympic nha Ăn hạt dẻ ở Thiên Tân cũng ngon tuyệt nữa. 56 tệ 1kg. Ở bên này một cân là 500g, 2 cân là 1kg.

Ăn gì ở Bắc Kinh

Thật tình mà nói đồ ăn Bắc Kinh dở ẹc (hoặc là do mình ăn không được) . Vừa dầu mỡ vừa mặn, vị chả tả được. Mình ở bên này nhưng toàn ăn đồ Tây trong khách sạn hoặc ra ngoài chơi thì ăn KFC, Mc Donalds, Pizza Hut, uống trà sữa Coco. Pizza Hut mình hay ăn cái pizza Vịt quay Beijing size M extra cheese 9 mấy tệ, Mc Donald’s Big Mac hoặc double cheese cả kem tầm 30 tệ , KFC thì gà các kiểu như bên mình. Giá cũng ngang ngang. Street food cũng hiếm chứ không có bạt ngàn như bên mình. Vịt quay Bắc Kinh ngon nhưng đắt, các món ăn vặt hay đẩy xe dạo phố mình thấy cũng ổn ổn, lại còn có mấy món bò cạp rắn rết nữa cơ, mì thì là mì bột chứ không phải mì gạo nên mình chịu chết. Thế mới biết Việt Nam vừa rẻ vừa ngon. Có trà sữa bên này là rẻ hơn. Mình thích Coco nhất, cốc to bự chảng 12 tệ pudding chân trâu ngập mồm 5 dòng họ hút chung. Phê hê hê.

Kinh nghiệm đi Subway

– Như đã nói ở trên là các bạn nên download MetroMap về, rồi dựa theo bản đồ trên đó và đi theo line để đến chỗ mình muốn. Bắc Kinh quá rộng và các điểm tham quan cách nhau khá xa nên đi subway là cách tốt nhất rồi. Đi taxi tắc đường trả tiền chờ cũng hết hơi.

– Mua vé subway thì đơn giản lắm. Một là mua tại quầy, 2 là mua ở máy tự động. Mua ở máy tự động nhanh hơn mà đỡ xếp hàng. Chuyển English, chọn line cần đến, máy báo giá, nhét tiền vào là xong. Máy chỉ nhận 1 tệ tiền xu và 5 tệ, 10 tệ tiền giấy. Máy tự động nhả thẻ cứng và tiền trả lại. Đi theo mọi người cà thẻ xong là đi. Đơn giản. Đi đến nơi thì nhét thẻ vào chỗ card insert. Nói chung tự đi mới biết đc chứ ngồi tả ai mà biết được máy móc với cả card insert quái gì nhở. Lần đầu đi hơi sợ, đi 2 – 3 lần là quen không bao giờ lo lạc. Cả search maps các exit nữa. Trong bài mình đã ghi rất rõ tên trạm và exit tiện nhất rồi.

Hy vọng bài review của mình sẽ giúp các bạn có 1 chuyến đi thật vui vẻ và bổ ích

Nguồn: Phạm Thảo

Di Hòa Viên du lịch Bắc Kinh du lịch nước ngoài Phố Đi Bộ Thiên An Môn Thiên Tân Trung Quốc
Hoàng Anh
Cô gái ưa xê dịch và muốn chia sẻ những trải nghiệm của mình với mọi người, góp phần lan tỏa thông điệp: "Là phụ nữ, đừng dựa dẫm vào bất kì ai, hãy độc lập, tự chủ rồi hạnh phúc sẽ đến với bạn"
Bài viết liên quan