Những kỳ quan nhất định phải ghé thăm khi du lịch Hà Nội
1. NGẮM NHÀ HÁT LỚN – TRUNG TÂM BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT
Tọa lạc trên Quảng trường Cách mạng tháng Tám, nằm ở giữa ngã 6 của các con đường trung tâm như Tràng Tiền, Phan Chu Trinh, Lý Thái Tổ, nhà hát Lớn Hà Nội được đánh giá có kiến trúc đẹp nhất Đông Nam Á. Ngoài vẻ đẹp kiệt xuất với sự pha trộn kiến trúc của nhiều phong cách khác nhau, nhà hát Lớn Hà Nội còn mang đậm giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử.
Vẻ đẹp trường tồn với thời gian của Nhà hát Lớn Hà Nội – Ảnh: Sưu tầm
Được bắt đầu xây dựng vào năm 1911, nhà hát Lớn Hà Nội là mô hình của Nhà hát Opéra Garnier ở Paris thu nhỏ, tuy nhiên được thay đổi một phần cấu trúc và vật liệu phù hợp với khí hậu và môi trường ở thủ đô Hà Nội.
Kiến trúc độc đáo, là sự pha trộn nhiều phong cách làm nên một nhà hát Lớn có nét đẹp đặc biệt – Ảnh: Quoctuan
Từ khi ra đời cho đến nay, nhà hát Lớn Hà Nội là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật quan trọng và nó là một hình ảnh quen thuộc và là biểu tượng trường tồn với thời gian cho thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.
2. THĂM CẦU LONG BIÊN – MỘT CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ TIÊU BIỂU
Cầu Long Biên được xây dựng vắt qua hai thế kỷ (1899-1902). Là một cây cầu được Pháp thi công và lắp đặt. Tất cả các nguyên vật liệu đều được mang từ Pháp sang. Một điều đặc biệt hơn nữa đó là những thanh sắt xây dựng cầu được lấy từ số sắt thép còn dư lại khi thi công tháp Eiffel.
Vẻ đẹp không bút nào tả xiết của cây cầu Long Biên – một chứng nhân lịch sử hào hùng
Cầu Long Biên là nhân chứng anh hùng của lịch sử, cũng là người bạn bình dị của mọi tầng lớp nhân dân lao động Hà Nội. Cây cầu hơn trăm năm tuổi này đã từng bị đánh phá nhiều lần trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của Không lực Hoa Kỳ. Lịch sử cầu Long Biên còn chứng kiến các điểm cao trên thành cầu trở thành ụ pháo cao xạ chống máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Vì vậy, cầu Long Biên là một trong những biểu tượng vĩ đại của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Cây cầu không chỉ nối liền đôi bờ mà còn là nhịp cầu yêu thương – Ảnh: Sưu tầm
Với không gian thoáng đãng, mát mẻ, gió từ sông Hồng thổi lên lồng lộng làm dịu đi cái nóng oi ả của mùa hè. Từng dòng người hối hả đi lại tấp nập hai bên cầu nhưng vẫn không làm mất đi cái vẻ êm đềm vốn có. Vào những đêm mùa hè, hình ảnh những cặp trai thanh gái tú tụ tập nhâm nhi cốc trà đá, ly trà chanh; hay những tối mùa đông giá buốt cùng quây quần với bếp than rực hồng, bắp ngô nướng còn nghi ngút khói là một hình ảnh hết sức quen thuộc trên cây cầu lịch sử này.
Một trong những thú vui tao nhã của giới trẻ hiện nay ở hai bên cầu Long Biên
3. THAM QUAN THÁP RÙA Ở HỒ GƯƠM
Một góc hồ Gươm với tháp Rùa và bưu điện Hà Nội – Ảnh: Xóm Nhiếp Ảnh
Hồ Gươm có tháp Rùa là một hình ảnh hết sức quen thuộc không chỉ đối với người dân Hà thành mà còn cả với người dân Việt Nam. Hình ảnh tháp Rùa đã đi vào văn học nước nhà qua những câu chuyện mang đậm tính sử thi, lịch sử hay là nguồn cảm hứng bất tận cho những thi sỹ thả hồn sáng tác:
“Hồ Gươm soi bóng Tháp Rùa
Ánh đèn soi tỏ mái chùa Ngọc Sơn
Đài nghiên, Tháp Bút chưa mòn…”
Hồ Gươm mùa thu về, lá vàng nhẹ nhàng rơi – Ảnh: Sưu tầm
Tháp Rùa được xây dựng bởi sự pha trộn hai phong cách kiến trúc, phong cách kiến trúc gothic của Pháp và phần mái cong là kiến trúc phổ biến của Việt Nam lúc bấy giờ. Do có sự giao thoa giữa hai nền kiến trúc mà tháp Rùa có một vẻ đẹp đặc biệt và độc đáo. Bên cạnh vẻ đẹp về kiến trúc, tháp Rùa còn là biểu tượng tinh thần cho một Hà Nội cổ kính với nhiều giá trị văn hóa.
Vẻ đẹp của Hồ Gươm khi mùa đông đến – Ảnh: Sưu tầm
4. DẠO BƯỚC TRÊN CẦU THÊ HÚC
Sau khi tham quan thỏa thuê nét êm đềm tinh tế của tháp Rùa trên hồ Gươm, bạn hãy dợn bước thêm một lúc nữa sẽ bắt gặp một cây cầu màu sơn đỏ êm đềm nổi bật trên hồ nước rêu xanh.
Thê Húc là một cây cầu sơn son nối liền bờ hồ với đền Ngọc Sơn – Ảnh: Sưu tầm
Cầu thê Húc là một cây cầu bằng gỗ được sơn son, nối liền bờ hồ với đền Ngọc Sơn. Tên gọi cầu Thê Húc có nghĩa là “nơi ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm đậu lại”. Cây cầu có cái tên thơ mộng này như là một cầu nối cho hai miền khác biệt. Bỏ qua cái ồn ào náo nhiệt của phố xá đông đúc ồn ào, bước lên cầu qua bên kia là một không khí tĩnh mịch và thanh bình. Tâm hồn của con người như đang đi vào cõi cực lạc, một khoảng lặng mà con người ta cần có ở cuộc sống gấp gáp, xô bồ hiện nay.
Tên gọi của cây cầu có nghĩa là “nơi ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm đậu lại” – Ảnh: Sưu tầm
5. NGÃ TƯ HÀM CÁ MẬP THU HÚT ĐÔNG ĐẢO GIỚI TRẺ
Ngã Tư Hàm Cá Mập là nơi giao nhau của những con phố nổi tiếng ở Hà Nội. Ngã Tư nằm đối diện với hồ Gươm và gần với cầu Thê Húc, đài phun nước. Phía trước có một khoảng trống cạnh đài phun nước là một địa điểm lý tưởng thu hút giới trẻ thủ đô về đây hóng gió, tụ tập mỗi đêm mùa hè. Trước đây, ngã tư Hàm Cá Mập là nhà ga trung tâm Bờ Hồ.
Cuộc sống về đêm đầy sắc màu ở ngã tư Hàm Cá Mập – Ảnh: Cao Anh Tuấn
Vào những dịp đặc biệt, nơi đây còn là sân khấu ngoài trời vô cùng thú vị để tổ chức các chương trình ca nhạc, giao lưu, tổ chức các sự kiện… Với vị trí đắc địa, đây là địa điểm hoàn hảo để thu hút sự chú ý của đông đảo người đi đường.
Ngã Tư Hàm Cá Mập nhìn từ một góc độ khác – Ảnh: JoJo
Buổi tối, dạo bước trên con đường nhộn nhịp này hay ngồi nhâm nhi một cốc cafe để ngắm nhìn cuộc sống hối hả nơi con phố này là một điều thi vị và tinh tế. Hãy một lần trải nghiệm và cảm nhận bạn nhé!
Vừa thưởng thức một ly cafe thơm ngon, vừa ngắm cảnh phố phường đêm là một thú vui tao nhã – Ảnh: Sưu tầm
6. LANG THANG 36 PHỐ PHƯỜNG VỚI PHỐ CỔ HÀ NỘI
Lang thang dạo chơi ở phố cổ Hà Nội là một thú vui khó cưỡng cho những du khách mới lần đầu đặt chân đến Hà Nội hay kể cả những người đã sống và làm việc ở nơi thủ đô này. Những con phố đông đúc, tấp nập và chật hẹp nhưng vẫn rất thu hút từng dòng người đưa đẩy tham quan bởi nét căng tràn nhựa sống của nó. Không khí tươi vui và nhộn nhịp đối lập với nét kiến trúc cổ kính làm nên một phố cổ rất riêng, rất quyến rũ mà chắc hẳn một lần trải nghiệm sẽ khiến bạn nhớ mãi.
Cuộc sống mưu sinh và góc bình yên của con người nơi đây – Ảnh: Cao Anh Tuấn
Đi sâu vào phía trong các cửa hàng trên mỗi tuyến phố nhộn nhịp và bắt đầu khám phá bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi trên các con phố này diễn ra. Các cửa hàng ở đây có chiều rộng rất hẹp vì chi phí thuê cửa hàng tính theo mặt tiền rất đắt đỏ, nên các cửa hàng ở đây thường hẹp nhưng lại rất sâu.
Hà Nội với những ngôi nhà cũ kỹ, nhuốm màu rêu phong qua năm tháng – Ảnh: Sưu tầm
Tiếp tục đi men theo những ngõ hẹp để dẫn vào khu dân cư nằm cách xa đường phố, bạn sẽ được chứng kiến cuộc sống thú vị của người dân Hà Thành. Lối đi nhỏ và hẹp đến nỗi vai của bạn có thể chạm vào các bức tường hai bên. Những hộ gia đình sống ở đây có cả những người nghèo lẫn những gia đình rất giầu có. Họ có đủ khả năng để tìm đến một nơi rộng rãi thoải mái hơn. Nhưng không, họ vẫn gắn bó nơi đây cũng vì cảm giác thân thiết, bình yên và bởi yêu cái hồn của phố cổ một thời.
Hình ảnh rất đỗi bình dị và thân thuộc với Hà Nội – Ảnh: Sưu tầm
Bên cạnh đó, khi dạo bước nơi đây, bạn cũng có thể thường xuyên bắt gặp nhiều người nước ngoài tham quan du lịch và có thể nói giọng Bắc rất sõi. Phải chăng, sự trầm mặc và thanh bình của phố cổ đã chinh phục được những du khách này khiến họ thêm phần yêu mến và học thứ ngôn ngữ để có thể hòa mình vào cuộc sống nơi đây.
Một Hà Nội rất riêng, rất thi vị – Ảnh: Sưu tầm
7. GHÉ THĂM LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VĨ ĐẠI
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cha già của dân tộc. Sự ra đi của người để lại bao tiếc nuối cho những người con đất nước. Một lần đến với Hà Nội, hãy ghé thăm Lăng Chủ Tịch nơi lưu giữ và bảo quản thi hài của người để cảm nhận được trái tim rung lên thổn thức theo mỗi nhịp bước chân.
Toàn cảnh mặt trước của Lăng Bác – Ảnh: Sưu tầm
Nằm ở quảng trường Ba Đình, lăng Chủ Tịch là một trong quần thể các di tích lịch sử văn hóa. Lăng được xây dựng dựa trên sự đóng góp ý kiến của đông đảo dân chúng, khiến cho lăng mang vẻ đẹp bình dị, gần gũi mà vẫn trang nghiêm.
Lăng Bác đẹp bình dị nhưng vẫn giữ được vẻ trang nghiêm – Ảnh: Sưu tầm
Mỗi tuần, lăng mở cửa đón người dân tham quan vào 5 ngày. Nếu bạn muốn đến viếng thăm Bác Hồ thì đừng đi vào thứ 2 và thứ 6 nhé. Thêm nữa, bạn cũng nên tìm hiểu một số quy định khi vào thăm lăng để phù hợp với nội quy như: ăn mặc nghiêm túc chỉnh tê, không được mang các thiết bị điện tử có chức năng quay phim chụp ảnh, tắt điện thoại, không được mang đồ ăn thức uống vào lăng…
Từng đoàn người trang nghiêm vào lăng viếng Bác – Ảnh: Sưu tầm
8. CHÌM ĐẮM TRONG KHÔNG GIAN KHOÁNG ĐẠT Ở HỒ TÂY
Hồ Tây là hồ lớn nhất Hà Nội, có không khí trong lành mát mẻ. Xung quanh hồ là những con đường rất sạch sẽ và yên tĩnh. Mỗi buổi tối khi đi dạo trên những con đường ven hồ, mang đến cho ta cảm giác rất bình yên và an nhiên. Bên cạnh đó, khu vực xung quanh đường Hàn Quốc và bến Nhật Bản – cung đường lãng mạn của các cặp đôi tình nhân – trồng rất nhiều hoa sen. Hoa sen thơm ngát, thanh khiết, loại bỏ đi những tạp chất, bụi trần làm cho tâm hồn trở nên thư thái, thoát tục. Ở đây, với tầm nhìn bao la rộng lớn, sẽ là một địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn những vì tinh tú trên bầu trời đêm hè quang đãng.
Hoàng hôn đẹp ma mị ở Hồ Tây
Sau khi hít căng lồng ngực no nê hương vị của đất trời, bạn có thể thưởng thức các đặc sản tuyệt vời và rất nổi tiếng ở Hồ Tây như bánh tôm Hồ Tây, ốc Hồ Tây, bún ốc phủ Tây Hồ, đi ăn phở cuốn, phở chiên phồng lạ miệng ở phố Ngũ Xá, thưởng thức sâm cầm là một đặc sản có một không hai của Hồ Tây…
Vẻ đẹp bình yên của một góc hồ Tây – Ảnh: Sưu tầm
Hà Nội ngàn năm văn hiến với rất nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng. Bên cạnh đó Hà Nội còn có nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn cần có cái tâm đủ tĩnh, thời gian đủ nhiều mới khám phá hết được.