Nem chua rán Hà Nội
Là món ăn vặt đường phố khá phổ biến, nem chua rán được nhiều du khách truyền tai nhau khi đến thủ đô. Nem chua lăn qua bột, có màu vàng rộm ngon mắt, ăn kèm tương ớt và một số loại hoa quả như củ đậu, xoài, dưa chuột… Ở Hà Nội, những khu vực bán nem chua rán nổi tiếng là ngõ Tạm Thương, Hàng Bông, phố Trịnh Hoài Đức khúc sau sân vận động Hàng Đẫy, phố Tạ Hiện…. với giá từ 30.000 đến 50.000 đồng một đĩa. Ảnh:Má Lúm.
Nem chua Thanh Hóa
Nem chua Thanh Hóa mang vị chua dịu đặc trưng, được làm từ thịt sống, bì lợn cùng các gia vị như tiêu, tỏi, ớt, lá đinh lăng cho lên men đến chín (khoảng 2-3 ngày). Người ta gói nem chua trong lá chuối, theo hai dạng: dài hoặc vuông, rồi xâu hay cột lại thành chục.
Nem chua có ở nhiều huyện của Thanh Hóa, nhưng ngon nhất là ở thành phố của tỉnh này. Các phố làm nem nổi tiếng là Tân An, Ngô Thì Nhậm, Cửa Tả, Trường Thi, Đội Cung… với giá khoảng 30.000-40.000 đồng một chục. Ảnh:Hoàng Phương
Nem lụi xứ Huế
Nem lụi được chế biến khá đơn giản với thịt heo giã nhuyễn trộn với bì thái mỏng như miến, mỡ heo thái hạt lựu ướp cùng muối, tiêu đường, thính. Sau đó, người ta lụi hỗn hợp này vào từng chiếc đũa tre nhỏ và nướng trên bếp than. Nem lụi ngon cũng nhờ thứ nước chấm đặc biệt làm từ đậu phộng xay nhuyễn, cho thêm một chút nước mắm rồi đun trên bếp thành hỗn hợp sền sệt giống như tương. Nem lụi ăn kèm với bánh tráng, rau thơm, khế chua, chuối xanh, sung… tùy theo khẩu vị mỗi người. Món này được bán nhiều ở chợ Đông Ba, đường Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu… với giá khoảng 30.000 đồng đĩa. Ảnh:Má Lúm
Tré Bình Định
Đây là thứ đặc sản trứ danh của đất võ không thể thiếu trong những ngày lễ tết. Thịt lợn được chần qua nước sôi rồi ngâm trong nước lạnh để thịt giòn và không bị dính, dùng dao thái nhanh tay, rồi nêm gia vị. Trộn thịt với riềng, tỏi, thính… Sau đó rải lá chuối ra, lá ổi non rửa sạch, xếp lên trên và trải đều hỗn hợp tré vừa đủ lên, cuốn lại cho thật chặt. Gói tré trong lớp “áo” rơm lúa mới dày, bó chặt hai đầu bằng lạt. Tré được ủ lên men một cách tự nhiên, sau 2 đến 3 ngày sẽ tự chín. Khi ăn, bạn lột tré ra, dùng đũa đánh tơi các miếng thịt với nhau, cuốn với bánh tráng và rau sống, đồ chua, chấm nước mắm ớt tỏi hoặc tương ớt. Giá khoảng 25.000-40.000 đồng một cây, tùy kích thước. Ảnh:Duyên Mới
Nem Ninh Hòa (Khánh Hòa)
Ai đến Nha Trang đều không thể bỏ qua nem Ninh Hòa. Nem nướng ở đây được ăn như món gỏi cuốn của người Sài Gòn, dùng một lát bánh tráng mỏng, cho lên trên một lát xà lách, chuối chát, khế, đồ chua, lát nem nướng và vài miếng bánh tráng ngọt chiên giòn, cuộn lại chấm vào nước chấm.
Ở Nha Trang, bạn có thể tìm ăn ở Lê Lợi, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Lê Thành Phương, Lãn Ông, Phan Bội Châu… với giá khoảng 50.000 đồng một phần hai người ăn. Ảnh:Xuân Linh
Nem nướng Đà Lạt
Cũng có nguồn gốc từ Huế, món nem nướng Đà Lạt được biến tấu đôi chút cho phù hợp với thời tiết cao nguyên. Nem Đà Lạt ăn cùng bánh tráng, rau xà lách, chuối, khế… và chấm nước tương được pha chế riêng. Nước chấm ở đây nấu từ xương heo được ninh kỹ lọc lấy nước cốt, cùng tương hột xay, rồi đánh nhuyễn hai hỗn hợp này lại với nhau, sau đó nêm gia vị, nước mắm, bột nêm cho vừa ăn, thêm vừng rang, tạo vị ngọt và béo.
Ở Đà Lạt nổi tiếng nhất là quán nem Bà Hùng trên đường Phan Đình Phùng và chợ Chi Lăng. Một phần nem nướng cho một người ăn khoảng 30.000 đồng. Ảnh:Má Lúm
Nem Lai Vung (Đồng Tháp)
“Lai Vung là xứ lạ lùng/ Nem chua mà ngọt, thơm lừng mà say…”, đúng như câu thơ, nem Lai Vung có chút vị ngọt đặc trưng miền Tây. Nem được làm từ thịt, bì heo và một số gia vị như tiêu, ớt, tỏi và bọc trong các lớp lá chuối. Khi tháo ra ăn, bỏ lớp lá chuối là miếng nem đỏ hồng với hương vị chua, cay, mặn, ngọt, thêm độ giòn của mấy cọng bì càng tăng vị độc đáo.
Nếu không ghé được huyện Lai Vung để mua của những lò nem lớn như Năm Thơ, cô Hoàng, Hiệp, Quang, Chiến Ngoan, Hoàng Oanh.. bạn có thể mua ở các cửa hàng đặc sản miền Tây ở Cao Lãnh, Sa Đéc với giá 25.000-35.000đ một hộp (10 cái). Ảnh:dacsanmientay
Theo Vnexpress