Đầu tiên phải nói ngay là tôi không hề muốn gọi những nơi này là “quán cafe” hay “quán ăn”, bởi như thế sẽ khiến cho cái không khí yên ắng, cũ xưa ở đó bị nhuốm màu thương mại. Mặc dù đúng là phải trả tiền cho đồ ăn, thức uống thật, nhưng thôi, tạm bỏ qua đi, tôi sẽ gọi chúng bằng tên hoặc bất cứ một từ gì có thể nghĩ ra.
(Ảnh: fanpage Xoancafe)
Điều thứ hai phải chú thích là những không gian này thực sự rất kén người, bởi đâu phải ai cũng thích đi ngược thời gian để quay về những năm 900 hồi đó. Người ta mải miết đi tìm những nơi ồn ào, sang trọng còn chả được, bỗng nhiên lại kéo nhau lùi về quá khứ làm gì? Vậy mà có đó, vì Hà Nội này đôi khi nhộn nhịp quá nên dễ khiến người ta lạc lõng, náo nhiệt quá nên thi thoảng phải kiếm lấy một góc cho riêng mình.
Và cái cuối cùng, chắc chắn có người đọc xong sẽ thắc mắc, rằng lẽ ra viết về hàng quán thì phải nhắc đến thức uống hay đồ ăn, rồi còn giá cả, nhưng những người đến đây rồi đều hiểu rằng cái hồn xưa cũ của chính nơi này mới là điều đáng bàn. Một ly cafe vừa miệng hoặc thậm chí là cốc sữa chua đánh đá cho những kẻ không sành uống đồ đắng, cũng chẳng cần quá ngon; vài ba trái cóc, xoài chấm muối ới hay đĩa hướng dương để cắn tí tách khi buồn miệng… dăm ba chục ngàn cho một buổi để nấp vào đâu đó của Hà Thành, thế thôi, cao xa gì.
Lutulata
Nằm bình yên giữa phố Hàng Cót, Lutulata giống như một nơi chốn bí mật cho những ai ưa hoài cổ hơn là một chốn tụ tập đông người. Quán nhỏ nhưng góc nào cũng xinh xắn với những món đồ trang trí được bày biện vô cùng tinh tế: bức tường trắng với cửa được sơn đỏ, hàng dây thường xuân buông trước cửa, những bộ cốc chén, bát ăn đủ màu được chủ chọn thật kỹ, cho đến cả cái chao đèn hay tủ đựng đồ cũng được lựa khéo để tạo nên cái không khí hoài cổ, bình yên ngay giữa con phố sầm uất bậc nhất Hà Nội.
Những góc rất xinh ở Lutulata.
Ngay cả đồ ăn, uống ở Lutulata cũng mang hơi hướng đồ ăn truyền thống Bắc Bộ xưa, với các loại chè Bắc như chè ngô, chè bưởi, chè cốm…, rồi đến cả những set trà mạn ăn cùng kẹo lạc, ô mai,.. để bạn nhâm nhi trong những ngày rảnh rang. Mùa đông, ở Lutulata lại có thêm cả món nóng như cháo sườn ăn với thịt băm, trứng cút,.. hay món bánh nghe rất “Tây” nhưng lại rất quen là bông lan trứng muối. Ở đây, bạn có thể ghé ù qua ăn một bát cháo lót dạ, bát chè tráng miệng sau bữa trưa hay thậm chí là ngồi cả chiều để làm việc bên tách trà nóng nghi ngút, rồi ngắm phố phường ngoài kia chạy vụt qua, như thể đang thả mình lùi lại ngày xưa nào đó xa lắm.
(Ảnh: Fanpage Lutulata).
Xoan cafe
Xoan là một căn nhà 2 tầng có gác xép lửng cùng với một khoảng sân. Ở Xoan còn có mèo và rất nhiều sách. Nếu muốn được thử hết những chỗ ngồi đẹp ở đây thì chắc bạn phải qua đến 3,4 lượt, bởi mỗi một góc của Xoan lại có một cái hay riêng.
(Ảnh: Fanpage Xoancafe)
Xoan có khoảng sân với giàn cây leo xanh xanh trong lành mà đến cô chủ quán cũng chẳng biết tên. Những ngày Hà Nội không âm u, nắng sẽ xiên ngang lọt qua từng kẽ lá để nhảy nhót trên nền gạch cũ.
(Ảnh: fanpage Xoancafe)
Xoan có một khoảng ngồi bệt khá riêng tư hợp với những lời tâm tình, thủ thỉ của các cặp đôi. Đối diện nó là một căn phòng khác bày một bộ bàn ghế kiểu cũ, cũng to to, chắc để dành cho những nhóm đông đông chứ ngồi một mình thì buồn lắm. Hai khoảng không gian đó được chia đôi bởi bức tường còn loang lổ những vết vữa treo một vài cái tranh siêu thực khó hiểu, hình như ai đó đã cố tình để trống một ô vuông nhỏ, chắc là để thi thoảng ngó nhau cho nó bớt buồn.
(Ảnh: Fanpage Xoancafe)
Xoan có hai chiếc cầu thang dẫn lên 2 cái gác xép lửng, nhưng có vẻ như căn gác bên trái được chuộng hơn một tẹo. Leo lên chiếc cầu thang “xiêu vẹo” vì thời gian là căn gác lửng be bé, trông giống với hộp diêm.
Tuy hơi hẹp nhưng hình như đây là chỗ mà nhiều người muốn tranh nhất. Leo lên một chút nữa sẽ là tầng thượng của quán, nơi bày vài chiếc bàn nhỏ gần nhau cho khách nhìn ra xa. Dù view chẳng có gì ngoài giàn cây leo phía dưới và sự yên bình khó tìm giữa chốn thành thị, nhưng mà, ừ nhỉ, đó mới là cái đặc biệt của Xoan.
Cuối ngõ
Quán tên là Cuối ngõ vì nó nằm ở cuối ngõ thôi, dĩ nhiên là sau khi đã rẽ ngang, rẽ dọc đi vào từ đường Cầu Giấy. Cuối ngõ chính xác là một gian nhà cấp 4 xếp những chiếc bàn nan gỗ mỏng gần nhau tạo thành một không gian để ngồi uống nước, nghe nhạc Trịnh, nhạc giao hưởng Pháp từ chiếc máy phát nhạc cũ từ đời nảo, đời nao. Những ngày mùa đông ngày ngắn hơn đêm, ở trong cuối ngõ sẽ hơi tối. Thứ ánh sáng yếu ớt ở đây lại là điều khiến người ta dễ chịu, vì không ai nhìn thấy rõ mình là ai.
Cuối ngõ nằm ở… cuối ngõ.
Cuối ngõ yên lặng một cách dễ thương, hoặc là những người đến đây đều tự nhắc mình rằng nếu không cần thiết thì đừng gây ra tiếng động. Đến thì xuống xe và dắt vào giữa sân rồi tìm lấy cho mình một chỗ ngồi, ngoài hiên hay trong nhà đều được, chọn đồ uống và hít một thơi thật sâu, thật dài, bạn sẽ nghe thấy mùi của thời gian và mùi của bình yên.
Nhà sàn
Nhà sàn là một cái… nhà sàn. Cũ rất cũ và rộng rất rộng. Nhà sàn cũ từ cái bộ bàn ghế salon chắc chỉ tìm thấy ở cái thời cách đây xa tít tắp, cũ từ những bức tranh, mảnh giấy, chiếc tù và treo tường, cũ từ từng thứ đồ trang trí như chiếc máy khâu, mấy cái rương gỗ, và ti tỉ những thứ đồ không phải ai cũng thành thạo gọi tên.
Thú thực là đường đến Nhà Sàn khá khó tìm. Mấy người đi lần đầu chắc kiểu gì cũng lạc…
Ở Nhà sàn, bàn ghế bày ra y như phòng khách của những căn nhà cấp 4 ngày xưa. Những người hoài cổ chắc sẽ thích nơi đây lắm lắm. Kể cũng lạ, giữa thủ đô tại sao lại có một nơi như thế? Không phải là kiểu cố tình trang trí và phủi bụi cho nó thật cũ, Nhà Sàn cũ và xưa một cách rất “thật thà”.
Nhà sàn có một chiếc ban công rất xinh. Ngồi ở đó cả tiếng đồng hồ để mải miết với những điều mình còn lăn tăn – một mình thôi chắc cũng không quá tệ. Có vẻ như Nhà Sàn hợp để hẹn hò cùng bạn tâm giao, tri kỉ. Trong không gian đặc quánh những bản nhạc nhẹ, ngồi đây nhấp ngụm trà và cắn vài hạt lạc, cứ thấy cuộc đời trôi chậm gì đâu.
Những món đồ đã rất cũ…
Cạnh cửa sổ bao giờ cũng rất xinh.
Những chỗ này không dành cho người vội vàng, ghé chút rồi đi. Bởi không gian và những người làm ở đây đều sẵn sàng cho bạn ngồi đến hàng mấy tiếng, miễn là bạn thích và đủ kiên nhẫn. Lúc nào thực sự có thời gian, hãy thử để laptop ở nhà và tới đây với một cuốn sách. Nếu không thì chí ít cũng nên mang theo cái đầu thật rỗng, bởi bạn biết đấy, có ai đi trốn mà lòng cứ ngổn ngang giông bão, vướng bận sầu lo hay không?