Nô nức về với đền ông Hoàng Mười
Năm nay thời tiết thuận lợi, nên ngay từ 14-18/11 người dân địa phương và du khách thập phương đã nô nức về đi lễ đền ông Hoàng Mười. Mặc dù lượng khách đông nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. Chỗ dừng đỗ xe được chỉ dẫn chu đáo, hàng quán, các dịch vụ phục vụ người dân đi lễ phong phú.
Trong chiều ngày 15/11 bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An và du khách thập phương tham gia buổi lễ Rước Sắc, Lễ Tế và Lễ yết Cáo tại đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên, Nghệ An)
Để bảo đảm an toàn cho du khách tham gia lễ hội, huyện Hưng Nguyên sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông, bố trí lực lượng làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ trước, trong và sau Lễ hội; ngăn chặn, giải quyết các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong quá trình Lễ hội… Như vậy, nhân dân địa phương và du khách thập phương đến đền Hoàng Mười trong dịp lễ hội sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa tâm linh tín ngưỡng đậm đà bản sắc dân tộc và có những trải nghiệm văn hóa thực sự ý nghĩa và đáng nhớ
Được biết, đền Hoàng Mười ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh là ngôi đền thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính là Ông Hoàng Mười.
Ông Hoàng Mười là một “Đức Thánh Minh” trong hàng các ông quan Hoàng của tín ngưỡng Đạo Mẫu, được nhiều người ngưỡng mộ và được thờ ở nhiều địa phương trong cả nước. Ông được giao cai quản về tâm linh – trấn giữ một vùng non nước dọc sông Lam, nên những nơi thờ Tứ Phủ theo Đạo mẫu Nghệ An đều thờ ông, nhưng chỉ là phối thờ.
Còn đền thờ chính Ông Hoàng Mười ở xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, đền có tên là đền Xuân Am (theo địa danh làng Xuân Am) hay Mỏ Hạc Linh Từ (theo địa hình thế đất núi sông của thuyết phong thủy).
Và theo truyền thuyết, Ông Hoàng Mười là con thứ mười của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh, ông giáng trần để giúp dân. Ông Hoàng Mười không chỉ vì ông là con trai thứ mười mà ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn (“mười” mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn).
Không những là vị tướng xông pha chinh chiến nơi trận mạc, ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương. Với truyền thuyết về vị tướng “Tài đức vẹn toàn”, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, nên ngôi đền được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê.
Đền nằm ở vị trí cảnh quan đẹp với phong cảnh non xanh nước biếc hữu tình. Trước mặt đền (hướng Nam) là dòng Lam giang như một dải lụa xanh trải rộng, thuyền bè tấp nập ngược xuôi sông Cồn Mộc quanh co, uốn khúc ôm ấp quanh đền, đôi bờ là những đồng lúa bát ngát, xanh tươi.
Phía sau, bên kia sông Cồn Mộc là núi Kỳ Lân, núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô với những dấu tích lịch sử, những rừng thông, bạch đàn bạt ngàn tươi tốt. Ngoài cảnh đẹp kỳ thú, từ lâu, đền đã nổi tiếng linh thiêng vì ở đây ngoài thờ Quan Hoàng Mười theo tín ngưỡng Đạo Mẫu, còn phối thờ các vị Song Đồng Ngọc Nữ Vị Quốc Công Thái Bảo Phúc Quận Công, Phụ Quốc Thượng Tướng quân Nguyễn Duy Lạc.
Với những giá trị lịch sử, ý nghĩa linh thiêng, đền Ông Hoàng Mười đã và đang ngày càng thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, cầu lễ. Sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với quan Hoàng Mười và sự đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên, di tích đền Hoàng Mười cùng với đền Quang Trung, núi Quyết, Phượng Hoàng Trung Đô đang là điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch ven sông Lam của tỉnh Nghệ An hiện nay.
Buổi Đại lễ được diễn ra một cách tôn nghiêm vào sáng 17/11/2018 tại đền thờ ông Hoàng Mười. Ảnh: Nguyễn Lăng
Các buổi Hầu Đồng luôn được diễn ra trong tháng điện ông Hoàng Mười. Ảnh: Nguyễn Lăng
Nguyễn Lăng