Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Việt Dũng, Trưởng Ban tuyên giáo thành ủy – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng – cho biết, ngành du lịch golf tại Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung là một trong ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển bền vững, với giá trị lợi nhuận mang lại trong năm 2016 là 68 triệu USD. Với tốc độ tăng trưởng du lịch của golf hiện nay đang ở mức khá cao (trên 50%) và cùng với 3 sân golf mới sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian đến sẽ mang lại giá trị gia tăng từ du lịch golf và lợi nhuận trong vòng 5 năm dự kiến đạt 186 USD.
Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam, hiện nay, Việt Nam có 32 sân golf đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế đi vào hoạt động và 60 sân golf nằm trong quy hoạch xây dựng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các sân golf ở Việt Nam hầu hết mới được xây dựng, thiết kế hiện đại, có vị trí tương đối gần nhau; có khả năng cạnh tranh với các sân golf tốt nhất của các nước láng giềng và hấp dẫn đối với khách du lịch golf vốn ưa thích chinh phục nhiều sân golf và trải nghiệm cảm giác khác nhau về môi trường, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên…
“Tuy nhiên, phát triển du lịch golf Việt Nam hiện nay còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh. Việt Nam mới chỉ có 32 sân golf trong khi các nước láng giềng như Indonesia đã có 152 sân, Malaysia có 230 sân và Thái Lan có 253 sân. Theo số liệu ước tính, tỷ lệ khách quốc tế đến Việt Nam chơi golf chỉ chiếm gần 0,5% trên tổng số hơn 10 triệu khách, tỷ lệ này của Malaysia là 2% trên 25 triệu khách và của Thái Lan là xấp xỉ 9% trên 23,2 triệu khách”, ông Chung nhấn mạnh.
Cũng theo ông Chung, hạn chế của sân golf Việt Nam là việc liên kết giữa các công ty lữ hành với các chủ sân golf còn chưa nhiều nên các tour du lịch golf tỷ lệ thấp; du lịch golf chưa kết hợp với các loại hình du lịch khác như du lịch MICE, tàu biển, nghỉ dưỡng, Caravan… hệ thống dịch vụ cho du lịch golf đang trong quá trình hoàn thiện, chưa tổ chức được nhiều giải đấu chuyên nghiệp và chưa liên kết với các sân golf trong khu vực nên giá trị sản phẩm chưa cao.
Để du lịch golf phát triển, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, hướng tới đối tượng khách chất lượng, ông Chung cho rằng, cần tiếp tục ban hành chính sách cởi mở, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài cho kinh tế Việt Nam, trong đó có du lịch. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch golf. Tăng cường liên kết giữa các sân golf ở Việt Nam với nhau và với các sân golf trong khu vực để tạo ra các tour du lịch golf chuyên nghiệp…
Còn theo ông Lê Văn Kiểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, để đưa phong trào chơi golf ngày càng phổ biến hơn nữa tại Việt Nam, nên tổ chức mô hình câu lạc bộ golf, hình thành dựa trên những điểm chung về quan hệ, địa lý, tập thể để lập ra các nhóm chơi từ hơn chục người đến hàng trăm thành viên. Tạo nhiều cơ hội để tổ chức các giải đấu golf và đây chính là một trong những động lực to lớn thúc đẩy phong trào golf phát triển.
Theo thống kê của Tổ chức du lịch golf quốc tế IAGTO, hiện nay có khoảng 56 triệu golf thủ trên toàn thế giới và ngành du lịch golf được xếp thứ ba về động cơ du lịch châu Á.
Có 169 công ty du lịch golf tại 41 quốc gia là thành viên của Tổ chức du lịch golf thế giới IAGTO đang khai thác du lịch golf tại thị trường châu Á và muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam với mục tiêu tăng 50% lượng người mua cho thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, một khách du lịch golf cũng chi tiêu gấp 2,2 lần so với một khách du lịch thông thường. IAGTO ước tính đến giai đoạn 2018/2019, Đà Nẵng – Việt Nam sẽ tăng nguồn thu từ du lịch golf lên 40 triệu USD/năm.
Khánh Hồng