Với mục tiêu, phát triển du lịch Quảng Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Trong những năm gần đây, hạ tầng phục vụ du lịch đã được địa phương này chú trọng đầu tư. Từ năm 2007-2016, Quảng Nam đã đầu tư nhiều tuyến đường mới tới các khu, điểm du lịch từ nguồn hỗ trợ vốn hạ tầng du lịch của Chính phủ, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn địa phương.
Từ năm 2007-2017, nhiều dự án đầu tư du lịch của doanh nghiệp trong và ngoài nước có quy mô lớn và chất lượng cao đưa vào hoạt động, góp phần tạo nên diện mạo mới, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Quảng Nam.
Cùng với đó, Quảng Nam đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch lớn, với các hình thức, nội dung phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa địa phương nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh Quảng Nam đến với du khách trong và ngoài nước.
Theo thống kê báo cáo của Sở VH-TT&DL Quảng Nam, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2018 ước đạt 6,5 triệu lượt khách, tăng 21,50% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó khách quốc tế ước đạt 3,78 triệu lượt khách, tăng 36,58 % so với cùng kỳ năm 2017; khách nội địa ước đạt 2,79 triệu lượt khách, tăng 5,33% so với cùng kỳ năm 2017.
Khách tham quan ước đạt 4,4 triệu lượt khách, tăng 24,29% so với cùng kỳ năm 2017; khách lưu trú du lịch ước đạt 2,1 triệu lượt khách, tăng 16,02% so với cùng kỳ năm 2017.
Doanh thu lưu trú, tham quan du lịch năm 2018 ước đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 21,76% so với cùng kỳ 2017. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 11.100 tỷ đồng.
Trong năm 2018, đã có 88 cơ sở lưu trú mới với 2.146 phòng đi vào hoạt động, nâng tổng số cơ sở lưu trú toàn tỉnh 624 cơ sở với 12.615 phòng; trong đó 180 khách sạn với 9.784 phòng, 179 biệt thự với 1.745 phòng, 265 homestay với 1.086 phòng. Công suất sử dụng phòng ước đạt 67%.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển du lịch Quảng Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đề xuất nhiều giải pháp, đưa ra nhiều kiến nghị, góp ý với các sở, ban ngành như nâng cao cơ sở hạ tầng giao thông du lịch, tạo nên nhiều sản phẩm mới, dàn trải ra các địa phương khác nhằm giảm áp lực cho Hội An và Mỹ Sơn; tăng cường đưa ra nhiều sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách Châu Âu; cần đưa ra nhiều giải pháp kịp thời, căn cơ để góp phần khắc phục sạt lở tại Cửa Đại (Hội An) và Tam Hải (Núi Thành)…
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, hiện Quảng Nam đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch về phía Nam và Tây của tỉnh để giảm áp lực cho du lịch Mỹ Sơn và Hội An; về kiến nghị tăng thêm du lịch về đêm tại Hội An và Mỹ Sơn là không được vì sẽ phá vỡ không gian di sản, tỉnh sẽ cho phát triển về phía Nam Hội An để tạo thêm nhiều dịch vụ hút khách; về sản phẩm du lịch thì phía nam và tây của tỉnh đã có đề án, năm 2019 phát triển du lịch làng nghề, văn hóa đặc trưng như du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa miền núi…
Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – chia sẻ: “Để du lịch Quảng Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước cần sự phối hợp của nhiều cấp, sở ngành và cả các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch, người dân…”.
Cũng theo ông Tân, trong năm 2019, Quảng Nam sẽ cố gắng đạt được những mục tiêu đặt ra và khắc phục hạn chế, thiếu sót của năm 2018. Trong năm 2019, Quảng Nam sẽ có nhiều hoạt động như kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận, 10 năm Khu dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm; hy vọng các doanh nghiệp du lịch sẽ có nhiều sự quảng bá, xúc tiến du lịch hợp lý.
C.Bính-N.Linh