UBND tỉnh Cà Mau cho biết, theo phê duyệt của Chính phủ, Khu du lịch quốc gia (DLQG) Mũi Cà Mau chủ yếu thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển và một phần nhỏ thuộc huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau), với diện tích khoảng 20.100 ha.
Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025, Khu DLQG Mũi Cà Mau trở thành trọng điểm lớn nhất của tỉnh Cà Mau; là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng ĐBSCL.
Kế hoạch cũng cho biết, mục tiêu đến năm 2025, Khu DLQG Mũi Cà Mau sẽ đón 1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 6.000 lượt; phấn đấu đến năm 2030 đón 2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 22.000 lượt.
Tổng doanh thu từ khách du lịch đến Mũi Cà Mau đến năm 2025 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 5.000 tỷ đồng.
Giai đoạn trước mắt, Mũi Cà Mau sẽ tập trung thu hút khách phổ thông, chủ yếu du lịch tham quan, khám phá. Đến năm 2025, mở rộng thu hút khách cao cấp, hướng đến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí. Giai đoạn đến năm 2030, ưu tiên thu hút khách cao cấp.
Thị trường khách nội địa tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khách từ TPHCM và các tỉnh khác trong vùng Đông Nam Bộ, TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, các tỉnh trong vùng ĐBSCL; mở rộng thị trường khách từ các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên; chú trọng khách du lịch tham quan, trải nghiệm, khám phá cảnh quan thiên nhiên, du lịch biển, đảo.
Trong khi đó, với khách quốc tế ưu tiên khai thác thị trường mục tiêu như: Mỹ, Úc, các nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản); đồng thời mở rộng thị trường các nước Tây Âu (Anh, Pháp), Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Campuchia…),…
Với sản phẩm du lịch đặc thù sẽ có trải nghiệm điểm cực Nam của Tổ quốc gắn với hoạt động tham quan, ngắm bình minh và hoàng hôn trên biển; tàu không số trên biển; khám phá Vịnh Thái Lan với các hoạt động trải nghiệm chạy vỏ lãi trên bùn tại khu vực bãi bồi ven vịnh Thái Lan hay du thuyền cao cấp chạy trên Vịnh…
Sản phẩm du lịch chủ đạo là gắn với thiên nhiên sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau với các hoạt động như: trải nghiệm sinh thái, ngắm san hô trong rừng, tham quan làng nghề, cảnh quan công trình nhà ở, đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân vùng Đất Mũi,…
Cà Mau sẽ hình thành các tuyến du lịch quốc tế như theo tuyến quốc lộ 1 và tuyến hành lang ven biển phía Nam kết nối Khu DLQG Mũi Cà Mau với TP Cà Mau (Cà Mau), Hà Tiên (Kiên Giang), Sihannoukville (Campuchia), Bangkok (Thái Lan); theo tuyến quốc lộ 1 và tuyến đường xuyên Á kết nối Khu DLQG Mũi Cà Mau với TP Cà Mau (Cà Mau), TP Cần Thơ, TPHCM, Phnompenh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan); theo tuyến đường sông kết nối với TPHCM, TP Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang đi Phnompenh, Siem Riep (Campuchia).
Với các tuyến du lịch liên tỉnh, kết hợp đường bộ theo quốc lộ 1 và đường hàng không kết nối với TPHCM và Thủ đô Hà Nội; tuyến du lịch đường bộ kết nối với các tỉnh trong vùng ĐBSCL; tuyến kết nối với TP Cần Thơ, TPHCM theo tuyến quốc lộ 1 và cao tốc TPHCM – Trung Lương; tuyến du lịch đường thủy có đường biển kết nối với Côn Đảo, Phú Quốc; tuyến đường sông kết nối với TP Cần Thơ, TPHCM và các tỉnh trong vùng ĐBSCL (tuyến du lịch đặc thù trải nghiệm đời sống sông nước của cư dân vùng ĐBSCL).
Cà Mau cũng đề xuất mở các chuyến bay thẳng từ Hà Nội, Phú Quốc, Côn Đảo đến Cà Mau và ngược lại để thu hút, mở rộng thị trường khách du lịch đến Khu DLQG Mũi Cà Mau.
Đề xuất xây dựng bến tàu khách tại Trung tâm Khu DLQG Mũi Cà Mau; mở mới tuyến du lịch đường thủy kết nối cụm đảo Hòn Khoai với Côn Đảo, Phú Quốc nhằm khai thác thị trường khách cao cấp đến Khu DLQG.
Huỳnh Hải