Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL: “Làm du lịch là phải đẹp !”
“Bản chất khách “mê” du lịch là lãng mạn”
Ông Lê Thanh Phong- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch (HHDL) ĐBSCL cho rằng, ngành du lịch Bạc Liêu trong những năm đầu thế kỷ 21 gần như không có tên tuổi trên bản đồ du lịch ĐBSCL. Tuy nhiên, từ năm 2011 cho đến nay, phải nói Bạc Liêu là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng rất nhanh về phát triển du lịch.
Theo ông Lê Thanh Phong, muốn phát triển du lịch thì phải phát triển sản phẩm du lịch, trong đó đặc biệt là sản phẩm đặc thù. Tỉnh Bạc Liêu hiện xây dựng 6 sản phẩm đặc thù, gồm: Du lịch văn hóa gắn với bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; Du lịch tâm linh; Du lịch tham quan điện gió gắn với sinh thái ven biển; Du lịch Quảng trường Hùng Vương và các công trình văn hóa xung quanh; Du lịch sinh thái tham quan các vườn chim, vườn cò.
“Ngoài 6 sản phẩm đặc thù trên, Bạc Liêu cần xây dựng thêm một sản phẩm đặc thù nữa là sản phẩm du lịch nông nghiệp, đặc biệt khai thác có hiệu quả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và Công ty Trúc Anh”, ông Phong gợi ý.
Phó Chủ tịch Thường trực HHDL ĐBSCL cho rằng, hiện nay không gian du lịch Bạc Liêu chủ yếu nằm trên địa bàn TP Bạc Liêu (trung tâm và ven biển) nên du khách đi một ngày có thể hết. Do đó, cần phải mở rộng không gian du lịch về các địa phương khác như huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải,…
“Bản chất của khách mê du lịch là lãng mạn, lúc nào trái tim họ cũng rực lửa, muốn đi tìm cái mới. Do vậy, chúng ta phải khai thác chỗ này, phải làm cái gì mới, riêng biệt, chỗ khác không có thì mới hút khách. Làm du lịch là phải đẹp, từ đường đi, đến cảnh quan, thậm chí cả màu sắc, hương vị món ăn,…” ông Lê Thanh Phong nêu quan điểm.
Còn ông Lê Anh Xuân- Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh cho rằng, Bạc Liêu có thế mạnh để xây dựng thu hút khách du lịch qua những sản phẩm ứng dụng khoa học, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao. “Như Công ty Trúc Anh đã đầu tư 4.0 mô hình ao nuôi tôm theo dõi, quản lý bằng Facebook; mô hình công nghệ trồng dược liệu nấm linh chi, vân chi, đông trùng hạ thảo,… để có thể tạo ra sản phẩm du lịch như nước uống vân chi, linh chi phục vụ du khách cả trong và ngoài nước”, ông Xuân nói.
Theo ông Xuân, du lịch nông nghiệp công nghệ cao phải làm sao xây dựng chuỗi thu hút du khách đến với 4.0, chỉ bằng một nút bấm là có thể trải nghiệm được cả một quy trình như từ nuôi tôm cho đến thương hiệu, bán sản phẩm,…
“Ngoài cần có cơ chế thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực,… thì hạ tầng giao thông đi đến với các khu nông nghiệp công nghệ cao hiện nay còn nhiều khó khăn, nên cần đầu tư xây dựng để tạo vành đai liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển”, Tổng Giám đốc Công ty Trúc Anh kiến nghị.
“Du lịch mà bán được ngủ thì sẽ bán được nhiều thứ khác”
Ông Phan Đình Khuê – Phó chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội đánh giá, Bạc Liêu có những thế mạnh như nhiều điểm du lịch được biết đến rộng rãi, có tài nguyên du lịch rất tốt từ đồng ruộng, vườn cây, biển, văn hóa,…, Bạc Liêu nằm trong tuyến du lịch trọng điểm của du khách miền Bắc, TPHCM khi muốn đi xuống Cà Mau.
Tuy nhiên, ông Khuê cho rằng, lượng khách qua tỉnh Bạc Liêu rất đông nhưng nhược điểm là không giữ được khách bởi ít sản phẩm du lịch. “Trong chuỗi du lịch thì có vận chuyển, tham quan, ăn ngủ, giải trí, mua sắm. Nếu anh chị giữ khách 2 tiếng đồng hồ thì bán được ly nước, 4 tiếng thì bán được bữa ăn, 8 tiếng trở lên bán được ngủ, mà bán được ngủ thì sẽ bán được nhiều thứ khác”, ông Khuê quả quyết.
Theo ông Phan Đình Khuê, tỉnh Bạc Liêu có rất nhiều tài nguyên du lịch nhưng lại không hình dung được tài nguyên đó phù hợp với sản phẩm nào, thị trường nào. Cho nên, tỉnh cần có những chuyên gia đánh giá tất cả tài nguyên du lịch của tỉnh phù hợp với thị trường nào, như với thị trường miền Bắc thì sản phẩm phải làm sao?
“Như Đờn ca tài tử là tài nguyên chứ không phải sản phẩm du lịch. Bởi khi chúng tôi làm tour du lịch đến Bạc Liêu thì tỉnh tổ chức cho du khách xem, nghe đờn ca ở đâu, giờ nào,… nhưng lại chưa có ? Hoặc có văn hóa Khmer nhưng khi hỏi ăn món ăn Khmer ở đâu thì lại không biết nên văn hóa Khmer cũng là tài nguyên du lịch”, ông Khuê dẫn dụ.
Nghe đờn ca tài tử.
Trong khi đó, ông Trịnh Công Lý- Chủ tịch HHDL tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận, Bạc Liêu có đến 8 điểm được công nhận là du lịch tiêu biểu khu vực ĐBSCL, cho thấy sự vượt bậc của tỉnh này trong khai thác xây dựng sản phẩm du lịch.
Theo ông Lý, thời gian tới, Bạc Liêu cần thể hiện sự gắn kết với các HHDL địa phương, trong đó có tỉnh Sóc Trăng. Trong quy hoạch du lịch ĐBSCL, làm sao phát triển được du lịch bán đảo Cà Mau gồm 3 tỉnh là Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Ông Trịnh Công Lý đề nghị, HHDL 3 địa phương nên kết hợp thành lập tour, tuyến du lịch bán đảo Cà Mau. Trong đó, cần có kế hoạch riêng như tổ chức ngày hội du lịch bán đảo Cà Mau luân phiên giữa các tỉnh. Tuy nhiên, để làm được việc này cần phải có sản phẩm du lịch, bởi không có sản phẩm du lịch thì không thể có khách du lịch.
“Chúng ta phải làm sao khách đi du lịch bán đảo Cà Mau không chỉ nghỉ đêm ở Bạc Liêu, mà nghỉ đêm ở Sóc Trăng rồi nghỉ đêm Cà Mau. Không thể có chuyện đi du lịch vùng bán đảo Cà Mau chỉ nghỉ một đêm, mà phải từ 3 đêm trở lên… thì ngành du lịch mới phát triển được”, Chủ tịch HHDL tỉnh Sóc Trăng nêu ý kiến.
Huỳnh Hải