Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tác giả: Đi Đâu Chơi Gì
Đăng ngày: 02/11/2018
Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Quảng trường Ba Đình trước
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn gọi là
Quảng trường Tròn hay còn
gọi là Quảng trường Puginier. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước
Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Quảng trường Tròn được
gọi là Vườn hoa Ba Đình hay gọi là Quảng trường Ba Đình, Quảng trường được lấy tên địa danh Ba Đình là để gợi nhớ dải đất
Ba Đình ở tỉnh Thanh Hoá nơi đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp kéo dài từ tháng 9 năm 1886 đến tháng 1 năm 1887. Từ đó cho đến nay đã diễn ra
những sự kiện trọng đại của Thủ đô Hà Nội và của cả nước, ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng trong
lịch sử dân tộc.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc
lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Ảnh internet

Cách đây 67 mùa Thu, Cách mạng Tháng
Tám năm 1945 thành công trọn vẹn trong cả nước và ngày 2/9/1945 tại
Quảng trường Ba Đình lịch sử, giữa rừng cờ đỏ sao vàng và giữa rừng người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân
chủ cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân
đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau ngày tuyên bố độc lập,
Quảng trường Ba Đình đã đi vào lịch sử của dân tộc ta, trở thành nơi khai sinh ra nước Việt Nam mới
được cả thế giới biết đến. Và đây cũng là nơi chứng kiến cuộc mít tinh
trọng thể mừng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trở về Thủ
đô vào ngày 1/1/1955; cuộc mít tinh vào ngày 2/9/1975 mừng thống nhất đất
nước; ngày nay là nơi diễn ra các buổi mít
tinh, diễu binh, diễu
hành chào mừng các ngày lễ lớn của Việt Nam, đặc biệt là cuộc diễu binh, diễu hành chào mừng Đại lễ
1000 năm Thăng Long – Hà Nội vào năm 2010.

Quang cảnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình ngàyĐại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ảnh internet

Ngày 2/9/1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ
trần, tại Quảng trường Ba Đình, Lễ Truy điệu Người vào ngày 9/9/1969 được cử hành trọng thể. Thấu
hiểu sâu sắc và thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, và toàn dân ngày 29/11/1969 Bộ Chính
trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ
ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ
tịch và xây dựng Lăng của Người”
. Vào ngày 2/9/1973, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định khởi
công xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình – nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người – vị
lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Sau hai năm khẩn trương xây dựng, ngày 29/8/1975,
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức khánh thành, mở cửa đón tiếp đồng bào cả nước và khách quốc tế
đến viếng Bác và cũng chính ngày này đã trở thành Ngày Truyền thống của bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh – đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, vinh dự được Đảng, Nhà
nước, Quân đội và nhân dân giao trọng trách thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt – Giữ yên giấc
ngủ cho Người.

Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu được cử hành trọng thể tạiQuảng trường Ba Đình ngày 9/9/1969. Ảnh internet

Lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh, ngoài việc tổ chức lễ viếng hàng ngày, còn diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của
Đảng, Nhà nước; là nơi thường xuyên tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật, báo công,
giao ước thi đua, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, kết nạp Đội…nhằm giáo dục truyền thống yêu nước,
truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tình cảm kính yêu, biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh
và là nơi hun đúc chí khí cách mạng của các thế hệ người Việt Nam.

Lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh xứng đáng là một công trình văn hóa, nghệ thuật lớn. Toàn bộ khối Lăng được kết cấu
bằng đá của các miền trên đất nước và chia thành 3
phần: Mái, cột và nền. Mái và các cột bằng đá hoa cương màu xám bạc. Nền Lăng cấu trúc tam cấp được
ốp bằng đá hoa cương màu xám đen. Phía trong hàng cột là thân Lăng, đó là phòng đặt thi hài Bác,
toàn bộ mặt ngoài được ốp đá hoa cương màu đỏ sẫm. Mái Lăng được xếp tam cấp, bốn góc chếch đầu
đao, có dáng dấp như mái chùa cổ kính tôn nghiêm mà quen thuộc.

Dòng chữ: “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH” trên
mái Lăng được ghép bằng đá ngọc ở vùng Cao Bằng, cửa chính của Lăng được ốp bằng đá ngọc bích, các
bậc cầu thang được lát bằng đá hoa cương, tất cả tường và cột phía trong được ốp bằng đá cẩm thạch.
Riêng tường chính tiền sảnh ốp đá hoa cương vân đỏ hồng tương, làm nền cho dòng chữ “Không có
gì quý hơn độc lập tự do”
và chữ ký của Bác, dòng chữ và chữ ký được mạ vàng sáng nổi lên rực
rỡ – đây cũng chính là ước nguyện, là khát vọng và là tư tưởng xuyên suốt của Bác từ khi rời Bến
cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước đến khi là vị Chủ tịch nước, cả một đời đấu tranh cho độc
lập, tự do của dân tộc.

Phòng Bác yên nghỉ được ốp bằng đá cẩm
thạch Hà Tây. Trên tường có lá cờ, cờ Đảng bên trái, cờ Tổ quốc bên phải, dài 5,9m, rộng 2,5m, ghép
bằng 4.000 miếng đá hồng ngọc Thanh Hóa màu đỏ cờ, ngôi sao vàng năm cánh và búa liềm ghép bằng đá
cẩm vân màu vàng sáng.

Góp phần vào hoàn thiện công trình
Lăng Bác là những khối gỗ quý của đồng bào Nam Bộ, được các nghệ nhân tài hoa từ các tỉnh Nghệ An,
Nam Hà, Hà Bắc xẻ bằng tay, với những kỹ thuật tinh xảo đóng thành 200 bộ cánh cửa. Cửa ra lễ đài
được ốp đá, những cửa tiếp giáp với nắng được quét nhựa chống nứt. Ngoài đồ gỗ, trong Lăng còn dùng
các kim loại để trang trí như nhôm làm trần, đồng làm tay vịn, lưới gió…Mỗi vật liệu đưa vào
trang trí đều được Hội đồng Thẩm định chất lượng kiểm tra thử nghiệm chặt chẽ.

Lễ đài chính dùng cho những cuộc diễu
binh, duyệt binh lớn của cả nước được xây dựng gắn với Lăng, phía trên cửa chính của Lăng, so với
phòng Bác nằm thấp hơn. Hai bên là hai lễ đài, đặt thẳng hàng với lễ đài chính tạo sự cân đối cho
cả khối công trình.

Trước cửa Lăng có hai cây đại, tượng trưng cho sự thanh khiết, thiêng liêng, trường tồn, do các
đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng khi khánh thành Lăng Bác, mỗi bên lễ đài trái, phải trồng 9
cây vạn tuế như hàng tiêu binh đứng trang nghiêm ngày đêm giữ yên giấc ngủ của Người.

Phía sau Lăng, ở hai bên là bức tường lưu niệm ốp bằng đá hoa cương đỏ, sau tường trồng 19 cây ngọc
lan, hoàng lan tỏa hương thơm ngát, trước tường có 8 ô vuông trồng hoa hồng bốn mùa xanh
tốt.

Xung quanh Lăng Bác là cả một vườn cây quý hiếm, được nhân dân các địa phương cả nước lựa chọn về
để xây dựng và tôn tạo Lăng: Những khóm trúc Pác Bó; cây dầu nước; cây đa được triết từ cây đa Tân
Trào, nơi Bác Hồ và Trung ương đã quyết định Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; những cây luồng,
cây tre vùng Lam Sơn – Thanh Hóa; cây đào được chiết ghép từ cây đào do người chiến sĩ cộng sản Tô
Hiệu trồng tại nhà tù Sơn La; quế Trà My; cây chè Shan tuyết cổ thụ….những chậu cây thế, cây cảnh
quý hiếm của các địa phương trong cả nước hội tụ về Lăng tạo ra một vùng thiên nhiên tươi đẹp, ngào
ngạt hương thơm càng làm tôn vẻ đẹp của Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình.

Phía trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là Quảng trường Ba Đình. Xung quanh là Khu Di tích Chủ tịch Hồ
Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có ngôi nhà sàn Bác đã ở, có Bảo
tàng Hồ Chí Minh, đặc
biệt với việc phát lộ Hoàng Thành Thăng Long ngay bên Quảng trường Ba Đình càng làm cho nơi đây trở nên ý nghĩa và thiêng liêng hơn
bao giờ hết. Trước Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh là cột cờ với chiều cao 25m, một năm 365 ngày đều đặn, không kể
mưa hay nắng lễ chào cờ ở Quảng trường Ba Đình vào mùa nóng diễn ra vào lúc 6h sáng, mùa lạnh diễn
ra vào lúc 6h30 phút sáng, lễ hạ cờ diễn ra lúc 21h hàng ngày cho cả hai
mùa.


Hiện nay,
Quảng trường Ba Đình có khuôn viên với chiều dài 320m, rộng 100m, với 240 ô cỏ xanh tươi, mỗi chiều
rộng 10,8m, giữa các ô có đường đi lại, rộng 1,4m được lát bằng những tấm bê tông sỏi nổi.
Dưới các
thảm cỏ của Quảng trường có các tầng lọc nước, mạng ống và mương ngầm, đi đôi với hệ thống thoát
nước, có hệ thống cấp nước. Hệ thống cấp nước phục vụ cho các nhu cầu cần thiết của hệ thống kỹ
thuật.

Lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Quảng trường
Ba Đình và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ là một quần thể di tích thống nhất, liên hoàn trong
Cụm Di tích lịch sử – văn hoá Ba Đình. Lăng Bác uy nghiêm mà giản dị giữa Quảng trường Ba Đình lịch
sử đã trở thành địa chỉ thiêng liêng, quen thuộc, hướng đến đầu tiên của du khách mỗi khi tới Thủ
đô Hà Nội, là niềm tự hào, vinh quang không chỉ của người dân Hà Nội mà còn là nơi hội tụ tình cảm
và niềm tin của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và khách quốc
tế đến Việt Nam. Được về bên Bác, trong những ngày toàn Đảng,
toàn quân và toàn dân đang nỗ lực thi đua lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 67 năm Cách mạng
Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, chúng ta đều thấy lòng mình thật thanh thản, yên bình và
đâu đây giữa Quảng trường Ba Đình lộng gió “…tiếng Người giờ đây vẫn âm vang và mai sau vẫn
truyền… thiêng liêng tiếng dịu hiền, ngân trong nắng Ba Đình, tràn đầy niềm tin”
, làm cho ta
không khỏi xao xuyến, xúc động: “Tổ quốc thống nhất vinh quang, lòng Bác vui khi con cháu về
càng đông trong tình thương của Bác… Hôm nay đứng bên Người, con xin khắc sâu lời Người.. trọn
đời thủy chung…”

Huyền Trang

Bài mới

Các bài khác

Exit mobile version