Trung tâm năng lực vì sự phát triển du lịch bền vững thuộc Dự án TOURIST là Dự án xây dựng năng lực về giáo dục đại học do Quỹ Erasmus+ tài trợ nhằm nâng cao tác động tích cực của du lịch địa phương ở 2 quốc gia là Thái Lan và Việt Nam.
Đây là Trung tâm đầu tiên và duy nhất ở miền Trung và Tây Nguyên của Việt Nam làm tư vấn, nghiên cứu, đào tạo, kết nối và chứng nhận về du lịch bền vững. Nhiệm vụ của Trung tâm là cung cấp các sản phẩm và dịch vụ gắn liền với sự bền vững cho ngành du lịch và môi trường, đồng thời gia tăng các lợi ích kinh tế của du lịch đến với cộng đồng địa phương.
Theo TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế, Trưởng Ban điều hành Dự án TOURIST tại Đại học Huế, việc thành lập và triển khai hoạt động của Trung tâm tại các cơ sở giáo dục đại học được xem là mục tiêu quan trọng nhất của dự án.
“Chúng tôi cùng các chuyên gia điều phối từ Áo sẽ phát triển và đào tạo các nhóm chuyên gia, giảng viên cho trung tâm; tư vấn và các sản phẩm và dịch vụ du lịch, thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ của trung tâm cũng như xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác trong lĩnh vực du lịch là mục tiêu ngắn hạn.
Về dài hạn, Trung tâm sẽ phát triển và đa dạng hóa các chương trình tư vấn, nghiên cứu, đào tạo, kết nối và chứng nhận cho các nhóm khách hàng mục tiêu bao gồm các tổ chức giáo dục, các doanh nghiệp du lịch, sở ban ngành, cộng đồng địa phương; và kết nối với các trung tâm, tổ chức du lịch tương tự trong khu vực và thế giới để thực hiện các dự án phát triển du lịch bền vững ở quy mô quốc tế” – TS. Đỗ Thị Xuân Dung cho biết.
Cắt băng khánh thành Trung tâm
Nhằm tạo ra một hệ thống giá trị và lợi ích to lớn cho cộng đồng trong sự phát triển du lịch bền vững ở miền Trung – Tây Nguyên, có rất nhiều nhóm đối tượng khách hàng của Trung tâm này như: Giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên từ các trường đại học du lịch, cao đẳng có nhu cầu nâng cao kiến thức và nhận thức liên quan đến phát triển du lịch bền vững; các doanh nghiệp, tổ chức, cư dân địa phương muốn trang bị các công cụ, phương pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng; cũng như Chính quyền địa phương muốn trang bị kiến thức liên quan việc quản lý phát triển du lịch bền vững.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đang rất quan tâm về du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của Huế. Trung tâm ra đời có điều kiện rất thuận lợi khi được đặt tại khoa Du lịch, Đại học Huế – đơn vị đào tạo chất lượng về nhân lượng hiện nay cho miền Trung & Tây Nguyên. Trong tương lai, Huế là đô thị di sản của quốc gia thì du lịch sẽ được phát triển theo hướng văn hóa và di sản. Sở sẽ chú ý triển khai về du lịch cộng đồng nhất là cộng đồng dân cư liên quan đến các nhiệm vụ của Trung tâm.
Nhiều vấn đề về du lịch bền vững sẽ được Trung tâm này thực hiện
PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Trưởng Khoa Du lịch, Đại học Huế chia sẻ, thông qua dự án này, sẽ có hàng chục lượt giảng viên của Khoa sẽ được đi đào tạo, học hỏi ở các nước phát triển, tiếp xúc với các doanh nghiệp chính quyền về sản phẩm du lịch bền vững. Từ đó các giảng viên sẽ nghiên cứu, chuyển giao kinh nghiệm từ các nước phát triển về Việt Nam và Huế – thành phố du lịch sáng tạo và bền vững như định hướng của tỉnh nhà.
Theo Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, Khoa Du lịch trực thuộc Đại học Huế hiện nay được ghi nhận là một trong những đơn vị đào tạo bậc đại học và sau đại học về du lịch lớn nhất ở khu vực miền Trung – Tây nguyên và cả nước. Định vị tại Huế, thành phố của di sản, du lịch, văn hóa, lễ hội, Khoa Du lịch, Đại học Huế được tổ chức theo môi trường kết hợp học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn. Khoa còn có trung tâm thực hành tại chỗ, kết hợp với các tổ chức đào tạo và các doanh nghiệp khác trên địa bàn để tạo ra hệ thống cơ sở thực hành nghề nghiệp và nâng cao năng lực vận dụng thực tiễn cho người học. Khoa hiện tại đang tăng cường thời gian thực hành, thực tập của SV tại doanh nghiệp từ 3 tháng trước đây lên 9 tháng, thậm chí là 15 tháng đối với các chương trình đào tạo theo hướng đặt thù; tăng thời lượng đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh) từ 9 tín chỉ trước đây lên 15 tín chỉ; và chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ nòng cốt.
Khoa Du lịch, Đại học Huế là địa điểm đặt Trung tâm năng lực vì sự phát triển du lịch bền vững
Đại Dương