Sẽ có đêm hội rượu hoa tam giác mạch vào tháng 11/2015
Háo hức mong đợi mùa lễ hội hoa tam giác mạch lần đầu tiên
Từ đầu tháng 6/2015, những người yêu thích du lịch Hà Giangđã rất hào hứng với thông tin sẽ tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch lần đầu tiên tại Hà Giang. Lễ hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa nhân văn vùng cao nguyên đá nổi bật là giá trị cảnh quan từ hoa tam giác mạch, tạo ra điểm nhấn hấp dẫn, xây dựng hoa tam giác mạch trở thành sản phầm du lịch có Thương hiệu đặc thù trong khai thác phát triền du lịch.
Thông tin về tổ chức Lễ hội Hoa tam giác mạch được chia sẻ – Ảnh: FB Giàng A Phớn
Vẻ đẹp đầy quyến rũ của hoa tam giác mạch trên cao nguyên Hà Giang – Ảnh: sưu tầm
Ở Hà Giang, cứ sau vụ lúa, người dân một số xã vùng cao lại gieo trồng cây tam giác mạch. Đây là loại cây không ưa nước nên dễ sống ở vùng cao nguyên đất cằn sỏi đá. Một vụ mùa của cây kéo dài khoảng 3 tháng từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch. Cây chỉ trồng được duy nhất vào tiết trời thu. Và hình như phải có chút gió mùa Đông Bắc thì hoa mới nở thắm và đậu quả. Có một điều thú vị là loài cây tam giác mạch khi nở hoa rất đẹp. Hoa mạch không thơm, không bền nhưng luôn khoe sắc rực rỡ với hai màu chính là trắng và hồng tím.
Thích thú với những bức ảnh đẹp trên đồi hoa tam giác mạch Hà Giang vào mùa – Thái BB
Kỳ bí về loại rượu đặc biệt
Loài cây tam giác mạch có rất nhiều công dụng. Thân của cây khi còn non có thể hái về luộc để ăn như một loại rau rừng bình thường. Nó có vị hơi ngai ngái. Đối với hạt tam giác mạch, người dân ở đây thường lấy hạt phơi khô, sau đó xay nhỏ thành bột. Bột này dùng để làm bánh tam giác mạch vẫn thường bán ở các chợ phiên. Nhất là chợ phiên Đồng Văn và chợ phiên Mèo Vạc. Vào mùa thu, các du khách sẽ không thể bỏ qua món ăn đặc trưng này. Bánh tam giác mạch hương vị khá lạ. Bánh dẻo như bánh nếp nhưng thơm vị mạch và ngọt đậm đà. Ngoài ra có một món chế từ quả tam giác mạch mà không một nơi nào có được, đó là rượu tam giác mạch.
Những người phụ nữ bán rượu tại chợ phiên Mèo Vạc, Hà Giang – Ảnh: Louplote
Thông thường, người ta pha chế theo công thứ 1 – 2. Nghĩa là, họ trộn một phần mạch với hai phần ngô. Mạch phơi khô được nấu lên như rượu gạo bình thường. Sau khi nấu, ủ men là công đoạn quan trọng nhất. Men phải được ủ đúng độ mới tạo nên hương vị nồng nồng đặc trưng của rượu mạch. Rượu mạch khi thành phẩm không cay như rượu gạo, cũng không ngọt như rượu cần của vùng Tây Bắc. Nó là sự dung hòa giữa cái cay và nồng ấy. Điều đặc biệt, khi uống rượu mạch, người ta không thể không say. Tuy nhiên, say rồi tỉnh lại, người ta không sợ mà chỉ mong được say thêm lần nữa…
Thưởng thức hương vị thơm nồng của rượu ở các phiên chợ là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Hà Giang – Ảnh: Đỗ Việt Cường
Phải thật khéo tay và có bí quyết gia truyền trong công thức ngâm trộn thì rượu tam giác mạch mới đặc trưng mà không giống bất cứ loại rượu nào. Cũng là một cách ngâm trộn, cũng là một cách ủ men nhưng men có đạt chuẩn hay không lại do tay người ủ.
Cả những người phụ nữ ở Hà Giang cũng rất thành thạo nếm thử vị rượu – Ảnh: Huy Vu
Được biết, tùy vào từng vùng mà người ta có cách gọi loại rượu này bằng các tên khác nhau. Như ở Xín Mần, người dân gọi rượu nấu từ tam giác mạch là rượu Cốc Pài. Nhưng ở Lũng Táo, người ta đơn thuần gọi nó là rượu tam giác mạch. Tuy tên gọi khác nhau nhưng vị của nó khó có thể lẫn với các loại rượu khác.
Theo Pystravel