Theo UBND TP Hội An sẽ có hơn 50 đình, chùa, miếu, nhà thờ ở các làng xã và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại phố cổ sẽ phục dựng cây nêu ngày tết trong Tết Giáp Ngọ 2014 kết hợp với nghệ thuật sắp đặt đèn lồng.
Bắt đầu từ 29 tết, mỗi cây nêu sẽ được dựng bằng tre già có treo cờ hội vuông cỡ lớn và lá phướn với nội dung mang ý nghĩa tốt đẹp, mừng năm mới.
Từ bao đời nay, đối với người Việt Nam, hình ảnh cây nêu được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết Nguyên đán. Nó gắn liền với một sự tích huyền thoại mang đậm tính nhân văn sâu sắc.
Trồng cây nêu đã trở thành tục lệ Tết phổ biến của các dân tộc Việt Nam: từ Kinh, Thái, Mường đến Ba Na, Gia Rai… Trên ngọn nêu, người ta thường treo một túm lá dứa, lông gà, cành đa, lá thiên tuế, những chiếc khánh và con cá bằng đất nung, cùng một tán tròn bằng tre nứa dán giấy đỏ.
Dù với dụng ý khác nhau, nhưng những vật treo đều tượng trưng cho mong muốn bảo vệ con người, tạo lập hạnh phúc cho con người. Ví như lá dứa để dọa ma quỷ (vì ma quỷ sợ gai), không cho chúng vào quấy phá.Cái khánh đồng âm với “khánh” có nghĩa là “phúc”: năm mới đem lại hạnh phúc cho gia đình. Cành đa tượng trưng cho điều lành và tuổi thọ. Tiền vàng mã để cầu tài, cầu lộc. Lông gà là biểu tượng chim thần (một sức mạnh thiên nhiên giúp người).Đặc biệt, cây nêu còn coi là cây vũ trụ – nối liền Đất với Trời. Tán tròn bằng giấy đỏ tượng trưng cho Mặt Trời và ngọn nêu là nơi chim thần (sứ giả của Mặt Trời) đậu. Cuối năm (cuối mùa đông) mới trồng cây nêu để đầu năm ngọn nêu vươn lên đón ánh nắng xuân, sức sống xuân.
UBND Thành phố Hội An cho biết, xung quanh cây nêu sẽ kết hợp trang trí đèn lồng, treo chuông gió và các vật mang ý nghĩa tín ngưỡng như lá đa, lá dứa hay nhánh xương rồng tượng trưng cho ước vọng bảo vệ con người, năm mới đem lại hạnh phúc cho gia đình. Lệ thường, mùng 7 tết người Hội An mới cúng lễ hạ nêu.
Minh Phan