Sơn Đoòng, Việt Nam – Hang động lớn nhất thế giới
Với kích thước khổng lồ, hệ thống hang Sơn Đoòng có thể chứa được một cặp máy bay Boeing 747. Trong lòng hang là cả một dòng sông ngầm lớn chảy qua. Sơn Đoòng được Hồ Khanh, một người dân địa phương phát hiện năm 1990. Tuy nhiên, 20 năm sau hệ thống hang động kỳ vĩ này mới được thế giới biết đến.
Phòng thí nghiệm CERN, Thụy Sỹ – Ngôi nhà của hạt Higgs
Higgs là một loại hạt cơ bản trong mô hình chuẩn của ngành vật lý hạt. Vì có tầm quan trọng trong vụ nổ Big Bang cách đây 13,7 tỉ năm mà Higgs còn được các nhà khoa học đặt tên là “hạt của Chúa” (God Particle). Tổ chức nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) tại thành phố Meyrin, Thụy Sỹ là nơi xây dựng được máy gia tốc lớn và mạnh nhất thế giới có tên Large Hadron Collider. Phòng thí nghiệm của CERN và chiếc máy này là điểm đến ao ước của các nhà vật lý nói riêng và giới khoa học nói chung.
Sân bay vũ trụ, Mỹ – Nơi bước chân ra khỏi trái đất
Spaceport America được xây dựng tại del Jornada Muerto, sa mạc bang New Mexico, Mỹ. Đây là sân bay vũ trụ tư nhân đầu tiên trên thế giới, nhằm cung cấp các chuyến bay khám phá không gian. Từ đây, du khách bay ra xa khỏi trái đất khoảng hơn 110 km là có thể nhìn thấy đường chân trời cong. Hơn 700 người đã đăng ký bay tại đây, mỗi người phải chi trả số tiền 250.000 USD để thực hiện chuyến đi ngoài không gian này.
Vùng núi phía Đông châu Phi – Hành trình gặp loài khỉ đột lớn
Thông thường mọi người chỉ thấy giống khỉ nhỏ ở những vùng đất thấp của phương tây. Còn những con khỉ đột lớn nặng tới hơn 226 kg lại sinh sống ở các vùng rừng núi của Uganda, Rwanda và Congo. Đây cũng chính là khu vực nghiên cứu trong 18 năm của nhà động vật học nổi tiếng người Mỹ Dian Fossey.
Đài thiên văn ALMA, Chile – Nơi quan sát được nhiều sao nhất
Không chỉ lớn nhất mà ALMA còn là đài thiên văn vô tuyến mạnh và đắt nhất do con người chế tạo nên. Nó được đặt tại vùng hoang mạc Atacama, một trong những nơi khô hạn nhất thế giới. Các nhà khoa học tới đây để nghiên cứu về các ngân hà và thăm dò các ngôi sao mới, đồng thời cả việc tìm kiếm những vật thể lạ ngoài không gian.
Động băng Mendenhall, Mỹ – Thế giới băng kỳ ảo
Mendenhall cách trung tâm thành phố Juneau khoảng 20 km, trong khuôn viên rừng quốc gia Tongass, bang Alaska, Mỹ. Động băng này được hình thành từ 3.000 năm trước và ngừng phát triển vào giữa những năm 1700. Ngày nay, động băng đã tan chảy một phần, tuy nhiên vẫn giữ được vẻ đẹp kỳ ảo, đáng kinh ngạc.
Ferrari World, Abu Dhabi – Nơi có tàu lượn siêu tốc nhanh nhất
Đây là công viên giải trí trong nhà lớn nhất hành tinh, mở cửa năm 2010 tại Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm Fumula Rossa, tàu lượn siêu tốc chạy nhanh nhất thế giới. Tốc độ của nó có thể lên đến 240 km/h.
Vùng Rãnh Cayman, biển Caribe – Điểm lặn biển sâu nhất
Tới Rãnh Cayman, du khách có thể tham gia lặn sâu tới hơn 600 m so với mặt nước vùng biển Caribe. Viện khoa học khám phá biển (RIDE) là cơ quan đã tổ chức các cuộc nghiên cứu tìm hiểu vùng Rãnh Cayman, điểm sâu nhất của biển Caribe. Tại đây, họ còn cung cấp cho du khách dịch vụ ngắm cá mập 6 mang – loài động vật ăn thịt nổi tiếng của thế giới dưới nước. Mức giá cho chuyến thăm này là 1.500 USD.
Bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo, Qatar – Thánh địa của nghệ thuật đạo Hồi
Đây là ngôi nhà lớn tập hợp mọi loại hình nghệ thuật của đạo Hồi, tôn giáo có lịch sử khoảng 1400 năm. Các tác phẩm trưng bày tại đây làm từ nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, kim loại, gốm sứ, trang sức, kính… Bảo tàng được thiết kế bởi I.M.Pei và đi vào hoạt động năm 2008. Những tác phẩm trong bảo tàng được thu thập trong hơn 20 năm từ nhiều nước như Tây Ban Nha, Ai Cập, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Trung Á…
Noma, Đan Mạch – Nhà hàng số một
Nằm tại thành phố Copenhagen, Đan Mạch, nhà hàng Noma do bếp trưởng René Redzepi gây dựng nên và quản lý. Đầu bếp này chủ yếu sáng tạo và phục vụ các món ăn Bắc Âu. Không chỉ mang đến sự ngon miệng cho thực khách, bếp trưởng René Redzepi còn biến các món ăn thành những tác phẩm nghệ thuật. Ông còn sử dụng cả cỏ và đất để tạo nên sự đặc biệt cho chúng.
Theo VNE