Hội thảo được tổ chức tại khu di tích Mỹ Sơn; đây cũng là dịp khép lại giai đoạn 1 dự án “Trung tâm Đào tạo nghề trùng tu và Bảo tồn di tích văn hóa tại Quảng Nam”.
Dự án này được Chính phủ Ý – Cơ quan Hợp tác phát triển Ý (AICS) tài trợ với kinh phí hơn 26 tỉ đồng, được thực hiện từ năm 2017-2019 bởi Trường ĐH Bách khoa Milano (Ý) và Trường CĐ Công nghệ Quảng Nam.
Trong vòng 2 năm qua, dự án đã tổ chức được 3 lớp học: lớp đào tạo kỹ thuật viên, lớp đào tạo giảng viên và lớp đào tạo công nhân kỹ thuật. Riêng trong số 38 học viên tham gia lớp đào tạo kỹ thuật viên, dự án đã lựa chọn ra 10 học viên xuất sắc để tham gia lớp đào tạo giảng viên.
Với lớp đào tạo công nhân kỹ thuật, dự án cũng đã đào tạo thành công 36 học viên là người dân địa phương đang làm việc tại Mỹ Sơn hoặc sinh sống tại các vùng đất có di tích Chăm.
Những chuyên gia tham gia dự án tháp E7 tại tháp sau khi phục dựng
Ông Phan Hộ – Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn – cho biết, sau nhiều chương trình hợp tác được triển khai tại khu di tích Mỹ Sơn, đến hôm nay Di sản văn hóa thế giới của nhân loại này đã hoàn toàn bước ra khỏi tinh trạng đổ nát để sang một trang mới của sự ổn định bền vững và phát triển.
Đây là thành quả được ghi nhận của những nỗ lực đến từ chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và những tấm lòng của những con người đến với Mỹ Sơn bằng tình yêu của mình đã xây dựng nên bức tường vững chắc của công cuộc bảo tồn di sản vì cuộc sống tươi đẹp.
Hiện những di tích như tháp G, tháp E7, khu tháp H, K, L được trùng tu sửa soạn, được phát huy theo hướng tích cực nhất đã góp phần tôn vinh thêm giá trị của nó.
Ông Phan Hộ cũng chia sẻ, việc ra đời của dự án Đào tạo nghề trùng tu và Bảo tồn di tích văn hóa tại Quảng Nam đã góp phần rất lớn vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và cho ban quản lý khu di sản.
Tại Mỹ Sơn trong 2 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả hơn mong đợi. Nổi bật là đã đào tạo chuyên sâu nguồn giảng viên, cán bộ kỹ thuật và công nhân trên lĩnh vực trùng tu di tích và bảo tồn di tích văn hóa cho Quảng Nam nói chung, địa phương Duy Xuyên nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của công tác đào tạo trùng tu di sản, đóng góp những kiến thức quý giá trong công tác quản lý bảo tồn kiến trúc Chăm Mỹ Sơn.
TS Nguyễn Ngọc Quý, chuyên gia khảo cổ Viện Khảo cổ học, cho rằng sự tồn tại đến nay của Khu di tích Mỹ Sơn là điển hình của những thành quả nghiên cứu mang tính quốc tế nhằm tái hiện lại một khu di tích tôn giáo quan trọng của vương quốc Champa. Qua những nhiên cứu đã thực hiện, những bí ẩn còn nằm sâu trong lòng đất Mỹ Sơn đã dần được khám phá và được hiểu biết một cách toàn diện hơn.
Theo ông Quý, kết quả thăm dò khảo cổ năm 2019 góp thêm tư liệu cho biết không gian văn hóa của Khu di tích Mỹ Sơn trong lịch sử rộng hơn những gì chúng ta biết đến hiện nay. Vì vậy, trong tương lai, cần tiếp tục những nghiên cứu chuyên sâu triển khai theo hướng ứng dụng những công nghệ mới, như khảo sát địa lý, nghiên cứu không ảnh viễn thám để nghiên cứu không gian phân bố tổng thể của di tích.
GS-TS. Mariacristina Giamnruno – Trưởng khoa Kiến trúc và phát triển đô thị, Đại học Bách khoa Milan khẳng định, hội thảo chính là cột mốc quan trọng trong công tác đào tạo nghề trùng tu di tích; là cơ hội làm rõ vấn đề quan trọng hiện nay: di sản văn hóa của một quốc gia thể hiện bộ mặt của quốc gia.
Do vậy, để giữ bản sắc riêng cần có sự tham gia của các chuyên gia nhằm mục tiêu đảm bảo mỗi quốc gia có khả năng tự quản lý di sản của mình theo những tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – cho biết, qua hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu đã đưa ra những luận cứ khoa học, những giải pháp có giá trị để Quảng Nam tiếp thu, học hỏi trong việc trùng tu, bảo tồn di tích.
Ông Tân cũng gửi lời cảm ơn Chính phủ và các cơ quan liên quan của Ý đã tài trợ thực hiện dự án và cho biết tỉnh Quảng Nam sẵn sàng triển khai giai đoạn 2 hoặc thực hiện một dự án mới tương tự trên địa bàn tỉnh.
C.Bính