Sông Trà Khúc chảy vắt ngang Quảng Ngãi như động mạch chính của Quảng Ngãi, nó cùng sông Vệ chảy dồn về cửa Cổ Lũy. Cổ Lũy là điểm giữa của hai huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa chính là phố cổ Thu Xà (Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà – Tư Nghĩa, Quảng Ngãi).
Thời đó, khu phố này đã xuất hiện nhà 2 tầng với kiến trúc được bài trí theo đặc trưng của người Hoa. Ngôi nhà cao nhất khu phố này là hiệu Đồng Ích làm nơi buôn bán, chứa hàng.
Đánh cá lúc bình minh trên sông trà
Theo cách giải nghĩa của nhiều người, “Vạn” là nơi tập hợp gom góp các bạn chài, cũng gọi là vạn chài và cũng là nơi tụ họp của các nhà buôn và thợ thủ công nên còn gọi là vạn buôn, vạn nghề. Vạn Thu Xà là một vạn buôn bán còn Thu Xà có từ bao giờ thì cũng chưa có tài liệu nghiên cứu, chỉ biết nó lằm trên đất làng Tiên Xà, tổng Nghĩa Hà phủ Tư Nghĩa xưa thuộc Thừa Tuyên, Quảng Nam.
Từ khi có Vạn Thu Xà dân chúng thường theo thuyền buôn – ghe bầu, chở hàng chục tấn đường, tấn dầu lạc ra Hội An và các bến cảng sông phía bắc để bán rồi mua đồ sứ, đồ gốm đồ dùng bằng gỗ, bằng đồng cho Vạn Thu Xà.
Ngay từ thuở trước, Vạn Thu Xà đêm đêm đã có điện, nhà lầu san sát hai bên phố. Có hãng dầu Shell, hãng rượu, hãng bia BGI (con cọp) có bưu điện – nhà dây thép, có nhà thương có nhà máy đèn có trường học chữ quốc ngữ đến bậc tiểu học và trường học chữ hoa của các bang Triều Châm, Hải Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông…Hai dãy phố chính có cửa hiệu buôn bán của người Việt gốc Hoa, có các chùa lớn bốn bang và hội quán của người Hoa.
Con đường dọc phố là các cửa hiệu san sát, mỗi tiệm đều treo bảng hiệu viết chữ màu đỏ, ngày lễ thì mới treo lồng đèn đỏ
Vật liệu để xây dựng nhà ở phố Thu Xà, mặt tiền bằng gỗ, tường được xây dựng từ đá ong vàng. Chịu lực cho ngôi nhà là những hàng cột bằng gỗ lim, kiền kiền đen nhánh. Sự phối trộn của gỗ và đá ong đã tạo nên diện mạo ngôi làng có phần cổ kính và có chiều sâu. Kiến trúc Trung Hoa và chất liệu của làng quê Việt Nam đã làm nên nét riêng của phố Thu Xà. Đó cũng là sự khác biệt so với phố cổ Hội An vốn cũng là thương cảng một thời.
Thả nò trên sông
Sông Trà Khúc đoạn cuối Thu Xà là một thắng cảnh. Nhà thơ Nguyễn Cư Trinh, một tuần phủ của Quảng Ngãi thế kỷ 19 đã dùng hình ảnh “Thiên ấm niên hà” để ví von ngọn Thiên ấn tứ bề vuông vắn như chiếc ấn đóng bên dòng sông Trà tươi đẹp, nên thơ. Ngày ấy Thừa tiên Quảng Nam (gồm ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định bây giờ) có 14 cửa sông, sau Hội An (cửa sông Thu Bồn) thì cửa sông Trà Khúc là nơi giao lưu nhiều tàu buôn ngoại quốc nhất đến từ Nhật, Pháp, Bồ Đào Nha… Thờ đó, cửa sông này là cửa ngõ quan trọng của dải đất miền Trung giàu thịnh.
Nếu từ xa đặt chân đến Thu Xà, người ta nói rằng đây là ngôi làng nong, nia thì cũng không sai. Đó là hàng ngàn chiếc nong phơi đường được đặt khắp nơi, từ mép đường cho đến bờ sông. Hằng ngày, thuyền chèo tấp nập chở đường muỗng từ các vùng đến Thu Xà. Thuyền cập sát sau nhà, bỏ một miếng ván làm cầu bập bênh là bắt đầu công việc bốc vác. Mỗi tiệm đều xếp hàng trăm vỏ muỗng đường bằng đất sét thành những hàng dài trông khá đẹp mắt. Đường được rút khô mật, sau đó cưa thành nhiều khúc để phân loại.
Đó là vào thời điểm khoảng tháng 10 hàng năm, lúc gió mùa thổi, từ đoàn hồng đầu thuyền (thuyền sơn đầu đỏ) căng buồm từ Phúc Kiến, Triết Giang hướng về Cổ Lũy họ mang lên Thu Xà thứ lụa Hàng Châu, gấm Tứ Xuyên, sứ Giang Tây và thuốc bắc: qui sâm, thục địa, phục linh đổi lấy các thổ sản từ nguồn sông Trà như quế, hồ tiêu, đường, mật ong, trầm hương, tốc hương, kỳ nam.
Vạn Thu Xà kéo theo đó cũng là sân chơi cực kỳ thú vị của những đứa trẻ. Nhảy tùm xuống sông tắm, những đứa trẻ như chú nhái ngụp lặn, thỉnh thoảng lại ngoi lên, đưa tay nhón một cục đường bỏ vào miệng, mặc cho tiếng hít hà của chủ nhà vọng lại.
Vạn Thu Xà bây giờ chỉ là một thôn nhỏ, sau bao nhiêu cuộc dâu bể đã bày đi, xóa lại. Những ai đã sinh ra lớn lên ở Vạn Thu Xà sẽ không quên được những ký ức đẹp về con phố cổ sầm uất một thời.