Tiềm năng sẵn có phát triển du lịch làng nghề Phú Xuyên

Tác giả: didauchoigi
Đăng ngày: 28/10/2015
Lần cập nhập cuối: 18/04/2021

Hội nghị do Đảng bộ huyện Phú Xuyên, UBND huyện Phú Xuyên phối hợp cùng Công ty CPTM Gia Phạm tổ chức đã tri ân các bậc Tiền nhân, Tổ nghề đã có công sáng tạo nghề và truyền nghề cho dân; động viên khích lệ và khen thưởng những nghệ nhân làng nghề có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất; đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của làng nghề đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện; đưa ra định hướng phát triển bền vững làng nghề giai đoạn 2016 – 2020.

Phú Xuyên là cái nôi của rất nhiều làng nghề nổi tiếng như: giày da Phú Yên; may mặc Vân Từ; khảm trai Chuyên Mỹ; đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân; cơ kim khí Đại Thắng; Sản phẩm mây giang đan, cỏ tế Phú Túc; Tò he ở Thôn Xuân La xã Phượng Dực; các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm,…

Du lịch tại các làng nghề, du khách không chỉ tham quan, trải nghiệm khung cảnh làng quê yên bình mà còn được trải nghiệm quy trình sản xuất, có thể cùng tham gia làm sản phẩm thủ công với người dân địa phương và mua quà lưu niệm cho bản thân và người thân

Trên địa bàn huyện Phú Xuyên hiện có 39 làng được công nhận làng nghề theo tiêu chí cấp Thành phố; có 156 làng, cụm dân cư của toàn huyện có nghề (bằng 100%). Sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có một trường trung cấp nghề và một trường Cao đẳng nghề, hàng năm đào tạo khoảng trên 1.000 học viên với các ngành nghề đa dạng, phong phú.

Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch làng nghề ở huyện Phú Xuyên, ông Nguyễn Xuân Hoản – đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội – cho biết: Việc phát triển du lịch làng nghề sẽ khai thác được giá trị văn hoá của nghề, làng nghề và hỗ trợ phát triển sản xuất, quảng bá thương hiệu, tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm theo hướng “xuất khẩu tại chỗ” thông qua chào bán sản phẩm cho khách du lịch đến địa phương. Thực tế, các làng nghề ở Phú Xuyên có rất nhiều tiềm năng về du lịch gắn liền với giá trị về cảnh quan, sinh thái, di tích văn hoá đình, chùa, ẩm thực…

Trong khi đó, nói về thực trạng tại các làng nghề truyền thống, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – khẳng định, các làng nghề truyền thống đã góp phần tích cực vào sự phát triển du lịch và ngược lại du lịch đã góp phần to lớn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống, góp phần làm thay đổi đời sống xã hội ở các vùng có làng nghề. Tuy nhiên, để phát triển du lịch một cách bền vững tại các làng nghề truyền thống nói chung và làng nghề ở Hà Nội nói riêng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Phát triển các làng nghề thủ công truyền thống đang trở thành mối quan tâm và cách tiếp cận mới đối với phát triển du lịch của đất nước

Hiện nay, việc phát triển các làng nghề thủ công truyền thống đang trở thành mối quan tâm và cách tiếp cận mới đối với phát triển du lịch của đất nước. Du lịch tại các làng nghề, du khách không chỉ tham quan, trải nghiệm khung cảnh làng quê yên bình mà còn được trải nghiệm quy trình sản xuất, có thể cùng tham gia làm sản phẩm thủ công với người dân địa phương và mua quà lưu niệm cho bản thân và người thân. Chính điều này tạo sức hấp dẫn riêng có cho các làng nghề thủ công truyền thống.

Nhìn nhận từ góc độ kinh tế, PGS. TS. Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – nhấn mạnh: Phú Xuyên là một địa bàn quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, thừa hưởng những lợi thế tự nhiên và xu hướng phát triển trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu phát huy được những lợi thế tự nhiên và truyền thống cũng như mới xuất hiện, sản phầm và ngành nghề truyền thống của Phú Xuyên sẽ bước vào một kỉ nguyên mới, thành công mới.

Đơn vị phối hợp chương trình này “Công ty cổ phần thương mai Gia Phạm”.

Website: giaphamjsc.com

PV

Exit mobile version