Theo đó, điểm nhấn của “Tuần Văn hóa – Du lịch Bạc Liêu 2019” nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và 100 năm hình thành di tích kiến trúc nghệ thuật nhà “Công tử Bạc Liêu”.
… và nhà “Công tử Bạc Liêu”.
Theo Ban tổ chức, sự kiện này nhằm tôn vinh và tri ân công lao đóng góp của các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nghệ thuật sân khấu cải lương.
Thông qua hoạt động này còn để quảng bá, giới thiệu hình ảnh của vùng đất Bạc Liêu đến với bạn bè trong nước và quốc tế, giao lưu và hợp tác du lịch với các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, trong đó có ngành văn hóa, du lịch của tỉnh.
Theo kế hoạch, “Tuần Văn hóa – Du lịch Bạc Liêu 2019” sẽ diễn ra từ ngày 19-22/11, với nhiều hoạt động, như: Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật; Hội chợ công nghiệp, thương mại, du lịch; Tọa đàm, giao lưu và biểu diễn nghệ thuật nhằm tôn vinh bản Dạ cổ hoài lang, kết nối từ giai điệu trong những ca khúc của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Tổ chức Không gian các miền di sản văn hóa phi vật thể, với chủ đề “Hội tụ các miền di sản”: Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ; Dân ca ví – dặm Nghệ Tĩnh, Hát xoan, Ca trù, Dân ca quan họ, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Khai mạc “Tuần Văn hóa – Du lịch Bạc Liêu 2019” và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Dạ cổ hoài lang – Với các miền di sản”; Liên hoan Đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau.
Tổ chức đoàn khảo sát một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Hội thảo “Hợp tác, liên kết, khai thác tiềm năng du lịch Bạc Liêu”; Ký kết hợp tác ngành Du lịch tỉnh Bạc Liêu với một số đơn vị lữ hành, kinh doanh du lịch.
Tác phẩm Dạ cổ hoài lang (có nghĩa là đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng) của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976) ra đời vào năm 1919. Tác giả muốn qua tâm sự của người phụ nữ nhớ chồng để nói điều lớn hơn. Đó là nỗi niềm của những người dân trên vùng đất mới được khẩn hoang trước biết bao những bất công của xã hội và những đau khổ do chiến tranh gây ra.
Bản Dạ cổ hoài lang (20 câu) được nhiều người xem là tiền thân của vọng cổ và nghệ thuật sân khấu cải lương ngày nay.
Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Nhà “Công tử Bạc Liêu” hiện tọa lạc tại phường 3 (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), nằm cạnh bờ sông Bạc Liêu. Ngôi nhà gắn liền với giai thoại về cậu 3 Huy (tức Trần Trinh Huy, người được mệnh danh là “Công tử Bạc Liêu”) được xây dựng vào khoảng năm 1919.
Ngôi nhà do kỹ sư người Pháp thiết kế, và tất cả vật liệu để xây dựng được đưa từ bên Pháp qua. Sau khi hoàn thành, đây được xem là ngôi nhà bề thế nhất ở Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.
Khu nhà “Công tử Bạc Liêu”.
“Tuần Văn hóa – Du lịch Bạc Liêu 2019” gắn với những sự kiện nói trên hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo du khách gần xa đến với tỉnh Bạc Liêu vào những tháng cuối năm 2019.
Huỳnh Hải