Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Tác giả: Đi Đâu Chơi GìĐăng ngày: 02/11/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, các bậc
Hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc tử giám Chu Văn An, người thầy đạo cao, đức trọng của nền
giáo dục Việt Nam. Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông, là nơi đào tạo
nhân tài cho đất nước, là trường đại học đầu tiên ở nước ta.

Kiến trúc VM-QTG

VM-QTG nằm phía Nam thành Thăng Long (nay là Hà Nội), quay mặt về hướng Nam với tổng diện tích
55.027m2 gồm Hồ Văn, vườn Giám và Nội tự. Nội tự được chia làm năm khu vực: Khu thứ nhất từ cổng
Văn Miếu tới cổng Đại Trung; khu thứ hai nổi bật với Khuê Văn Các, một công trình kiến trúc độc đáo
được xây dựng năm 1805 với kiến trúc gỗ, bốn mặt có cửa sổ tròn và những con tiện tỏa ra tứ phía
tượng trưng cho hình ảnh sao Khuê tỏa sáng; khu thứ ba là nơi lưu giữ bia tiến sĩ được dựng từ năm
1484; khu thứ tư thờ Khổng tử và bài vị của 72 vị học trò xuất sắc của Khổng Tử và thờ Chu Văn An,
Tư nghiệp Quốc Tử Giám; khu thứ năm là nhà Thái Học, vốn là Quốc Tử Giám xưa, trường đại học quốc
gia đầu tiên ở nước ta.

Các công trình kiến trúc của Văn Miếu được dựng bằng gỗ lim, gạch đất nung, ngói mũi hài theo
phong cách nghệ thuật của các triều đại Lê, Nguyễn và những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa giáo dục của Việt Nam, công trình Thái Học được xây dựng vào
năm 2000 trên nền của QTG xưa (Thái Học đường) với diện tích mặt bằng hơn 6000m2

Học tập tại QTG

Việc tổ chức giảng dạy, học tập tại QTG bắt đầu từ 1076 dưới thời nhà Lý, phát triển và hoàn
thiện dưới thời nhà Lê, thế kỷ thứ XV. Đứng đầu QTG là Tế tửu (hiệu trưởng) và Tư Nghiệp (Hiệu
phó), phụ trách việc giảng dạy có các chức: Giáo thụ, Trực giảng, Trợ giáo và Bác sĩ.

Giám sinh (học trò) chủ yếu là những người đã đỗ kỳ thi Hương, qua một kỳ kiểm tra ở Bộ Lễ sẽ
được vào QTG để học tập chuẩn bị cho kỳ thi Hội và thi Đình. Giám sinh được chia làm ba hạng:
Thượng xá, Trung xá và Hạ xá. Thời gian học tập tối thiểu là 3 năm và tối đa là 7 năm. Quá trình
học tập chủ yếu nghe giảng sách, bình văn và làm văn.

Các thí sinh sau khi trải qua 4 kỳ thi Hội (thi kinh nghĩa; thi chế, chiếu, biểu; thi thơ phú;
thi văn sách) mới được vào thi Đình. Thi Đình được tổ chức ở Hoàng Cung, do đích thân nhà vua ra đề
và chấm duyệt lần cuối. Những người đỗ thi Đình được xếp thành 3 hạng: Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ
(Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa); Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) và Đệ tam giáp Đồng
Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ).

Lịch sử khoa cử Việt Nam bắt đầu từ 1075 đến khoa thi Nho học cuối cùng năm 1919 có 2898 người
đỗ Đại Khoa. Khoa đỗ ít nhất chỉ lấy 3 người, khoa đỗ nhiều nhất lấy 62 người. Người đỗ trẻ tuổi
nhất là Trạng nguyên Nguyễn Hiền (khoa thi 1247) khi mới 13 tuổi, người đỗ cao tuổi nhất là Tiến sĩ
Quách Đồng Dần (khoa thi 1634) khi đã 68 tuổi.

Bia Tiến sĩ

Một trong những di tích nổi tiếng của VM-QTG là 82 tấm bia Tiến sĩ, ghi họ tên, quê quán của
1307 vị Tiến sĩ của 82 khoa thi từ 1442- 1779 gồm 81 khoa triều Lê và 1 khoa triều Mạc. Bia Tiến sĩ
khắc trên loại đá màu xanh, kích thước không đều nhau được trạm khắc hoa văn tinh xảo. Bia Tiến sĩ
khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) nêu rõ tầm quan trọng của việc đào tạo nhân tài và
khuyến khích kẻ sĩ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng
thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp. Vì thế, các bậc đế vương, thánh minh chẳng ai không
coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp…
Vì vậy, lại cho khắc đá để dựng ở cửa Thái Học cho kẻ sĩ bốn phương chiêm ngưỡng, hâm mộ mà phấn
chấn, rèn luyện danh tiết, hăng hái tiến lên giúp rập Hoàng gia. Há phải chỉ là chuộng hư danh,
sính hư văn mà thôi đâu”.

Bia được đặt trên lưng rùa. Rùa là một trong bốn linh vật: Long, Ly, Qui, Phượng. Rùa sống lâu,
có sức khỏe nên việc đặt bia Tiến sĩ trên lưng rùa đá thể hiện sự tôn trọng hiền tài và trường tồn
mãi mãi.

VM-QTG ngày nay

Di tích VM-QTG đã tồn tại được hơn 900 năm, là di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa từ
đợt đầu (1962). Tháng 4/1988, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học VM-QTG được thành lập với nhiệm
vụ quản lý, bảo tồn, lập qui hoạch tu bổ tôn tạo di tích nhằm phục vụ khách tham quan nghiên cứu và
là nơi để các nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi, thảo luận nhằm huy động lực lượng trí thức trong cả
nước.

Hàng năm, vào các dịp tại VM-QTG vẫn diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội như tổ chức dâng
hương các bậc thánh hiền, tổ chức cờ người, văn nghệ dân tộc, bình thơ, triển lãm thư pháp, giới
thiệu thơ xuân…

Năm 1997, tết Nguyên Đán Đinh Sửu, tết đầu tiên thực hiện lệnh cấm đốt pháo, VM-QTG đã là nơi
được vinh dự dùng tiếng trống để báo hiệu giao thừa. Nơi đây cũng là địa điểm khởi dựng dàn trống
hội Thăng Long và thực hiện lễ khai mạc chương trình trống hội Thăng Long ở thời điểm giao thời
giữa thiên niên kỷ tết dương lịch năm 2000.

Trong kế hoạch tiếp theo, VM-QTG đang từng bước thí điểm các chương trình văn hóa mang đậm nét
dân tộc như CLB “Tao đàn thơ Thăng Long”, CLB “Nhà giáo Nhân dân- Nhà giáo Ưu tú”, xây dựng “Bảo
tàng danh nhân Hà Nội”…

Nguyên Đức

Việt Báo

//

ads_content_no=1;

Bài viết liên quan