Về An Giang tầm độ tháng 10, 11 hàng năm du lịch cảnh sông nước. Du khách mới thấy hết được sự trù phú của cảnh sắc nơi đây. Nước dâng cũng là lúc những bông điên điển nở vàng đôi bờ. Du khách muốn được ngắm cảnh rừng xanh bạt ngàn tươi mát, muốn được bắt con tôm con cá giữa… rừng, chỉ cần đến rừng tràm Trà Sư dự buổi tiệc “xanh” vô cùng mát mắt.
Thảm rừng tràm Trà Sư xanh bạt ngàn – Ảnh: Vu Ngoc
Đường đến rừng tràm Trà Sư là con đường đất đỏ, hai bên đường là những cây thốt nốt mọc thẳng đứng vươn cao. Vịt nhà ai chạy đồng đủ màu sắc được chủ đánh dấu cho khỏi lạc đàn, từng đàn từng đàn vịt ấy đua nhau tìm hạt thóc còn sót lại trên đồng.
Thốt nốt in bóng chiều – Ảnh: Kiên Phạm
Cảnh sắc yên bình của đường đi làm ta có cảm giác yên bình mà thanh thản, cho tới khi vỡ òa khi đứng trước rừng tràm rộng mênh mông.
Dạo chơi giữa rừng tràm – Ảnh: Chinnyplus
Rừng tràm Trà Sư là khu rừng ngập mặn thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Cách thành phố Long Xuyên gần 100km và cách biên giới Việt Nam-Campuchia khoàng 20km. Đến với rừng Trà Sư, du khách có thể chọn đi thuyền hoặc xe đạp để dạo chơi ngắm cảnh khu rừng ngập mặn rộng đến hơn 800ha này. Đến với Trà Sư, du khách cũng tha hồ mà trải nghiệm những hoạt động thú vị, độc đáo như : lướt tắc ráng băng rừng, cùng người dân hái sen, hái ấu, tung lưới chài cá và thưởng thức những món ngon rặt miền Tây sông nước mùa nước nổi, điển hình là món cá linh ngọt nước ăn với bông điên điển vàng rực…
Cô lái đò rạng rỡ đưa du khách dạo chơi trong buổi tiệc xanh của rừng tràm, con thuyền rẽ sóng khiến bèo tấm hai bên bờ dạt qua nhường chổ cho múi thuyền lướt tới.
Cô lái đò trên sông – Ảnh: Hữu Trọng Nguyễn
Giá thuê một chiếc thuyền chở 5-6 khách dạo chơi thăm quan rừng tràm không quá đắt, chỉ 60.000 một người trong 2 tiếng, du khách tha hồ mà ngắm nhìn cảnh sắc sông nước mênh mông…
Rừng tràm Trà Sư là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật quý hiếm, có loài còn nằm trong sách đỏ như: Điêng điểng và dơi chó tai ngắn… Đây là nơi có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn rừng ngập mặn khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long. Du khách có thể leo lên vọng gác để có cái nhìn bao quát và choáng ngợp về thảm rừng xanh tươi tốt này. Sau đó cùng với con thuyền nhỏ mặc sức dạo chơi một cảnh quang thiên nhiên kì thú…
Rừng tràm Trà Sư nhìn từ lầu vọng gác – Ảnh: Minh Vũ
Nghe những chú chim hót véo von trên cành tràm còn dạn dĩ ngó nghiêng đó đây, cảm giác ấy như thấy ta đã hoàn toàn hòa nhập với thiên nhiên mà không còn bất cứ khoảng cách nào.
Chú chim hót trên cành tràm Trà Sư – Ảnh: Thanh Liem
Rừng tràm Trà Sư xuất hiện trong mắt du khách như một sân khấu lớn với nhiều lớp màn, sau mỗi lớp màn ấy là một cảnh sắc khác nhau gây bất ngờ đến tê tái: Khi thì trong veo một màu nước với rừng tràm soi bóng xuống như gương…
Khách du lịch dạo chơi thăm rừng tràm – Ảnh: Vu Linh
Khi thì mở ra trước mắt du khách những đầm sen bát ngát….
Đầm sen xanh mát chờ ngày trổ bông – Ảnh: Maryna
khi thì để du khách chán ngồi thuyền có thể thư thái mà dạo chơi giữa hai hàng tràm xanh tươi lãng mạn như thước phim Hàn Quốc…
Lối đi giữa rừng tràm – Ảnh: Lê Hoàng
Tất cả cảnh sắc đó tuy mỗi khung một vẻ nhưng đều mang một màu xanh của cây lá đặc trưng. Xanh trời, xanh mây, xanh cây, xanh nước…tất cả hòa quyện vào nhau như một buổi tiệc đơn sắc nhưng không hề nhàm chán. Ngược lại còn mang đến cho khách tham quan thêm phần thư thái và dễ chịu, hoàn toàn đắm chìm trong buổi tiệc xanh của thiên nhiên.
Đàn cò tung cánh tìm đường về nhà – Ảnh: Pinnee
Thuyền rẽ sóng giữa khu rừng tràm tĩnh mịch, những cây tràm cao từ 5-8m phũ bóng mát rượi, đâu đó vài tiếng chim hót, khỉ gọi bầy tạo cảm giác hoang dã mà nên thơ – một cảm giác mới lạ cho khách du lịch miền Tây sông nước đơn thuần. Giữa bóng cây xanh, nước trong lành và khí hậu mát mẻ, khung cảnh thiên nhiên thay đổi từ màn này sang màn khác đưa du khách lạc vào một buổi tiệc xanh trong truyện cổ tích đầy mộng mơ.
Hoàng hôn trên rừng tràm Trà Sư – Ảnh: Kiên Phạm
Chiều về trên rừng tràm Trà Sư cũng là lúc những chú chim bay về tổ. Mặt trời đỏ hỏn nhấn nhá thêm cho cảnh sắc nơi đây thêm chút ấm áp và thanh bình. Ai đi rồi cũng thấy mãn nhãn lại thanh thản trong tâm. Thương lắm Trà Sư ơi.