Vùng đất nguyên sơ giữa đại ngàn Pù Luông

Tác giả: didauchoigiĐăng ngày: 18/02/2015Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

Bản Kho Mường là bản xa xôi, cách biệt của xã vùng cao Thành
Sơn, huyện miền núi Bá Thước với 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Từ thị
trấn Cành Nàng lên đến Kho Mường gần 30 km, con đường nhiều đoạn khá cheo leo,
một bên là núi, một bên là vực thẳm. Giữa cái lạnh mùa đông, đi dưới những tán
cây rừng trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông khiến du khách có cảm
giác buốt giá thêm.

Đi dọc con đường vào Kho Mường, du khách có thể thả mắt ngắm
nhìn những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái nằm vắt vẻo trên những sườn
núi hay lấp ló sau những rặng cây ở các thung lũng. Vượt qua bản Nông Công, ngước
nhìn lên ngọn núi cao, cảm giác con đường nhỏ lại, ngoằn ngoèo như rắn lượn. Tiếp
tục băng qua những đoạn đường đất, trước mắt chúng tôi là bản Kho Mường.

Bản Kho Mường mù sương.
Bản Kho Mường mù sương.

Đặt chân lên đến bản làng Kho Mường, ngay phía trước, những
thửa ruộng bậc thang hiện ra, bao quâng Kho Mường là những mảng rừng ngút ngát
căng tràn sự sống. Một ngày đầu xuân, khi trời đã dần về trưa, nhưng cái lạnh
dường như vẫn khiến con người ta phải xuýt xoa.

Thung lũng mà người Thái đang sống ở đây có tên là Hua Mường
với diện tích khoảng 280 ha, bao quanh là những đỉnh núi trùng điệp. “Kho”
nghĩa là cái gốc, “Mường” là làng, “Kho Mường” chính là nơi đầu tiên mà con
người lập nghiệp tại khu vực này.

Về lịch sử của Kho Mường, theo trưởng bản Hà Đình Nếch kể lại: Khoảng 300 năm trước, một số người từ xã Lũng Cao đi săn bắn, thấy thung lũng này khá bằng phẳng, lại có nguồn nước dồi dào nên quyết định đến đây phát nương làm rẫy. Cuộc sống ngày càng sinh sôi, con người ngày càng tập trung định cư đông trên chính mảnh đất Kho Mường cho đến ngày nay.

Cuộc sống của bà con đang dần thay da, đổi thịt.
Cuộc sống của bà con đang dần thay da, đổi thịt.

Hiện tại, Kho Mường có hơn 60 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu,
100% là dân tộc Thái. Những nét văn hóa truyền thống được bà con nơi đây lưu
giữ và phát huy. Vào các ngày hội lễ, những hoạt động văn hóa dân tộc truyền
thống như: ném còn, đẩy gậy, đi cà kheo, thi bắn nỏ, cồng chiêng, khặp Thái…được
bà con tổ chức đều đặn.

Cuộc sống tuy còn khó khăn, nhưng bà con dân bản đã tự sản
xuất và bảo đảm lương thực tại chỗ và ngày càng hướng đến phát triển chăn nuôi
để nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Giờ đây, một nghề mới giúp bà con nâng cao cuộc sống, giao lưu văn hóa sâu rộng đó là phát triển hình thức du lịch cộng đồng. Thời gian qua, nhờ phát triển du lịch cộng đồng đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước về với bà con dân bản để thưởng ngoãn, giao lưu, tìm hiểu nét văn hóa truyền thống của bà con.

Một góc Kho Mường.
Một góc Kho Mường.

Để thu hút du khách, nhiều ngôi nhà sàn đã được đầu tư xây
dựng khang trang. Để giúp bà con nâng cao nhận thức và nghiệp vụ trong quá
trình phát triển du lịch, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cũng đã
có nhiều chương trình tập huấn, tạo điều kiện cho các hộ dân làm du lịch.

Hàng năm, các hộ dân được tập huấn nấu ăn, cách tiếp đón
khách, chào hỏi bằng tiếng Anh, tự làm hướng dẫn viên ngay trong khu bảo tồn đa
dạng sinh học này. Đã có hàng chục lao động trong bản có việc làm từ du lịch.
Mỗi khi có du khách lưu trú, các đội văn nghệ của làng lại diễn các tiết mục
đậm nét văn hóa dân tộc để phục vụ du khách.

Mỗi lần lưu trú tại đây, du khách không chỉ được đắm chìm
trong những làn điệu, của tiếng nhạc cụ dân tộc, được giao lưu với bà con mà
còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Thái như: xôi, lợn
nít, gà đồi…Cũng nhờ phát triển du lịch cộng đồng mà nhiều gia đình từ chỗ khó
khăn đã có của ăn của để.

Từ chỗ có của ăn của để, người dân ngày càng nhận thức việc học hành của con cái rất quan trọng, nên từ đó tại bản đã thành lập được hội khuyến học. Ở bàn làng vùng cao này, nhiều năm qua đã có 4 người con của bản đi học đại học, 5 người học cao đẳng. Trẻ em trong độ tuổi đều được vận động đến trường.

Những thửa ruộng bậc thang đâng chuẩn bị vào mùa.
Những thửa ruộng bậc thang đâng chuẩn bị vào mùa.

Kho Mường cũng tự hào bởi hiện có tới 8 người con của bản
đang làm giáo viên trong xã và các xã lân cận. Theo ông Nếch, nếu tính cả dâu,
rể của bản làm giáo viên, thì con số đó phải 15 người.

Các phương tiện nghe nhìn trở nên quen thuộc với bà con nơi
đây, xe máy cũng xuất hiện ngày càng nhiều tạo điều kiện cho quá trình giao
thoa văn hóa và bắt nhịp với cuộc sống hiện đại đang thay đổi từng ngày.

Một mùa xuân mới lại về, bản làng lại rộn rã trong những
tiếng nhạc cụ dân tộc, những điệu múa truyền thống và các cô gái Thái rạng rỡ trong
bộ trang phục truyền thống du xuân, tạo cho Kho Mường một không khí rộn ràng,
tràn đầy sức sống…

Duy Tuyên

ban quản lý cuộc sống hiện đại cuộc sống khó khăn không khí rộn ràng khu bảo tồn thiên nhiên món ăn truyền thống Thái
Bài viết liên quan