Bước ra khỏi “vùng an toàn” để viết nên những giấc mơ
Start-up (khởi nghiệp) đã không còn là khái niệm xa lạ. Vài năm trở lại đây, chúng ta đã có dịp chứng kiến sự nở rộ và lan tỏa mạnh mẽ của phong trào start-up ở giới trẻ Việt Nam. Bằng niềm đam mê, bản lĩnh và sự táo bạo, không ít những gương mặt trẻ đã truyền cảm hứng cho cộng đồng với kế hoạch start-up vô cùng thú vị của mình.
Thu hút đông đảo người trẻ đến như vậy, song không có nghĩa start-up là câu chuyện dễ dàng. Trái lại, để đạt được thành công, người start-up phải trải qua muôn vàng khó khăn, trở ngại, thậm chí đi đến thất bại. Với những vùng đất vẫn còn nhiều mới lạ như Măng Đen, sự khó khăn, trở ngại càng tăng lên gấp bội!
Măng Đen được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn của chốn Tây Nguyên đại ngàn. Ở độ cao 1200m, Măng Đen chiều lòng du khách bằng khí hậu ôn hòa quanh năm và vẻ đẹp hoang sơ hữu tình của những bản làng, dòng suối, thác nước, cùng những cánh rừng thông bạt ngàn. Cũng nhờ đặc điểm hoang sơ với rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá, nơi này đã mang đến cho người trẻ nhiều cơ hội để khẳng định mình.
Cánh đồng “gieo trồng giấc mơ” của tuổi trẻ táo bạo
Nếu như trước đây, Măng Đen thường được khách du lịch ưu ái gọi tên “Đà Lạt thứ hai” nhờ nhiều đặc điểm tương đồng về cảnh quan địa lý; thì giờ đây, chính sự xuất hiện của những người trẻ đã cho thấy ở Măng Đen một góc nhìn mới mẻ khác: vùng đất để gieo trồng giấc mơ khởi nghiệp.
Ba mô hình start-up nổi bật tại Măng Đen hiện nay là kinh doanh dịch vụ du lịch; làm nông nghiệp công nghệ cao và mô hình giáo dục – nghệ thuật.
Khởi nghiệp du lịch – Còn rất nhiều cơ hội để khai thác
Theo báo cáo của UBND huyện Kon Plông, năm 2015, Măng Đen đón hơn 20.000 khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Tới năm 2019, con số này tăng lên gần 40 lần, tức là khoảng 800.000 lượt khách (trích nguồn trang thông tin điện tử Đảng ủy khối Doanh nghiệp Kon Tum – dukdnkontum.vn). Điều này cho thấy du lịch Măng Đen đang phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây.
Một trong những người trẻ tiên phong lập nghiệp ở Măng Đen là Nguyễn Văn Hải. Hải Sinh ra ở Kon Tum, nhưng sống và học tập tại TP Hồ Chí Minh từ bé. Sau khi tốt nghiệp, anh được bố mẹ định hướng cho đi du học nước ngoài. Trước khi đi, Hải xin gia đình lên Đà Lạt sống trải nghiệm trong nông trại. Quá trình sống ở đây, được gặp những chủ nông trại từ Măng Đen sang học hỏi và mua cây giống. Dần dần, Hải bảo chẳng biết đã quyến luyến với vùng đất này từ bao giờ. Sau đó, Hải được giao quản lý Khu sinh thái ẩm thực hồ Đăk Ke. Giấc mơ của anh là mua được một mảnh đất riêng cho mình để làm du lịch sinh thái, trải nghiệm Măng Đen.
Bên cạnh làm dịch vụ du lịch sinh thái, mở homestay tại Măng Đen là mô hình start-up được rất nhiều 9X khai thác. Có những bạn trẻ đến Măng Đen thăm thú, nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ về du lịch của vùng đất này nhưng số lượng cơ sở lưu trú lại không tương xứng; đã quyết định bỏ thành phố lên Măng Đen để thuê các biệt thự, sau đó cải tạo lại thành homestay đón khách du lịch. Bên cạnh những khách sạn lớn đã có tên tuổi như: Hoàng Vũ Măng Đen, T&T hotel, khách sạn Đồi Thông Măng Đen, Resort Đăk Ke…, Măng Đen nay đã có nhiều sự lựa chọn cho du khách hơn với những homestay được đầu tư bài bản như Sum Villa, Nhà Của Cải, MELi, Toki…
Vùng đất màu mỡ để phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao
Liên tục ba năm qua, hàng loạt doanh nghiệp đổ xô lên Măng Đen để phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Tiêu biểu phải kể đến những cái tên như Vin Eco (thuộc tập đoàn Vingroup); Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen; công ty TNHH Kon Tum Bellest liên doanh với Hàn Quốc; Công ty TNHH Kon Plong AGRI-TOURISM liên doanh với doanh nghiệp Australia…
Theo dấu chân “người khổng lồ”, nhiều bạn trẻ cũng ấp ủ khát vọng làm giàu từ mô hình nông nghiệp nói trên. Không giống như nhiều ngành nghề khác, sản phẩm nông nghiệp phải trải qua một quá trình chăm sóc và theo dõi lâu dài. Khởi nghiệp nông nghiệp thật sự rất gian nan. Được biết, xu hướng start-up của nhiều người “nông dân trẻ” tại Măng Đen hiện nay là đi con đường agritourism (sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch) để tạo dựng nên một vùng kinh tế bền vững, phát triển xanh, đem lại lợi nhuận mà không ảnh hưởng đến tự nhiên.
Tiên phong với mô hình English Bootcamp và Học viện âm nhạc nghệ thuật
Những năm qua, không ít người Việt đã tìm đến các đất nước nói tiếng Anh như Philippines, Malaysia, Singapore… để tham gia mô hình English Bootcamp – học tiếng Anh nội trú. Với phương pháp học “chìm sâu trong tiếng Anh” 24/24, các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết của học viên sẽ được cải thiện chỉ sau vài tháng.
Từ cuối năm 2017, thay vì bỏ ra từ hàng chục đến vài trăm triệu chi phí học tập và sinh hoạt đắt đỏ tại nước ngoài, các bạn trẻ có thể đăng ký khóa học tương tự ngay tại biệt thự Le Plateau, Măng Đen. Sáng lập mô hình dạy tiếng Anh ở Măng Đen là anh Nguyễn Nam Khánh, một du học sinh từ Singapore. Anh Khánh chia sẻ, quyết định chọn Măng Đen mà không phải vùng đất khác vì nơi này có thời tiết mát mẻ khiến tinh thần thoải mái. Đồng thời, do nơi chưa quá nhiều có quá nhiều dịch vụ vui chơi “cám dỗ” nên người học có thể toàn tâm cho việc học.
Đồng quan điểm chọn Măng Đen để làm môi trường giáo dục học tập, vừa qua nghệ sỹ Lê Cát Trọng Lý đã mua lại căn biệt thự 1000m2 ở Măng Đen để thực hiện dự án mà cô gọi là “ngôi trường trong mơ”. Không giới hạn độ tuổi học viên, trường Nghệ thuật Cẩm Chướng sẽ dành cho bất kỳ ai có đam mê về sáng tạo âm nhạc, nghệ thuật. Khóa học đầu tiên tại trường của Lê Cát Trọng Lý đã mở đăng ký online và sẽ được khai giảng vào 29/02/2020 tới đây.
Có thể nói, việc các bạn trẻ chọn Măng Đen để khởi nghiệp cũng như địa phương mở rộng cửa đón chào sẽ góp phần thổi luồng gió mới cho Măng Đen nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung phát triển về mọi mặt.