Kinh nghiệm du lịch Sapa
Sapa nổi tiếng có bốn mùa trong một ngày, kinh nghiệm du lịch Sapa sẽ chia sẻ với các bạn những điều cần phải lưu ý nhất khi tới đây du lịch.
Bên đèo Ô Quy Hồ
Đi lên Sapa bằng phương tiện nào?
Xe khách
Thường các xe chạy từ Hà Nội lên Sapa thường chạy chuyến đêm, lên đến thị trấn Sapa vào khoảng hơn 12 giờ đêm. Nếu bạn muốn lên tới Sapa đang là ban ngày thì bạn có thể đi các chuyến Sapa Express đến Sapa lúc 12h30 (xuất phát lúc 7h), xe Thiên Hà tới Sapa lúc 5h30 (xuất phát lúc 22h đêm hôm trước), xe Sao Việt tới Sapa lúc 6h45 (xuất phát lúc 22h30 hôm trước).
Bảng: Giá vé xe khách giường nằm Hà Nội – Sapa
Tàu hỏa
Từ Hà Nội tới Sapa bạn có thể đi tàu chuyến Hà Nội – Lào Cai, sau đó bắt xe khách hoặc taxi đi lên Sapa.
Chiều Hà Nội – Lào Cai, một ngày có các chuyến:
- Tàu SP1 xuất phát 21h10 ga Hà Nội, đến ga Lào Cai lúc 5h30 sáng hôm sau.
- Tàu SP3 xuất phát 21h50 ở Ga Hà Nội, tới ga Lào Cai lúc 6h25 sáng hôm sau.
- Tàu SP7 xuất phát ở ga Hà Nội lúc 22h25, tới ga Lào Cai lúc 4h50 sáng hôm sau.
- Tàu LC3 xuất phát ở ga Hà Nội lúc 6h10, đến ga Lào Cai lúc 15h56.
Trong đó tàu SP5 chỉ chạy tăng cường vào dịp cao điểm, lễ tết; tàu LC 1 đang tạm dừng.
Giá vé tàu Hà Nội – Lào Cai rẻ nhất là 121.000đ/ 1 vé (ghế ngồi cứng không điều hòa, tàu LC3), và đắt nhất là 449.000đ/ 1 vé (giường nằm điều hòa tàu SP1, SP3, SP7). (giá và giờ tàu chạy cập nhật tháng 4/2015). Tàu từ Hà Nội lên Lào Cai nào cũng có các chế độ ghế ngồi, giường nằm như nhau nhưng vé sẽ khác nhau vé tàu SP1, SP3, SP7 bằng nhau cho tất cả các vị trí, và là tàu có vé đắt nhất, tàu LC3 có giá rẻ nhất.
Chiều Lào Cai – Hà Nội: hiện có 5 chuyến tàu trong 1 ngày:
- Tàu SP2: xuất phát ở ga Lào Cai lúc 19h35, đến ga Hà Nội lúc 4h10 sáng hôm sau.
- Tàu SP4: xuất phát ở ga Lào Cai lúc 20h20, đến ga Hà Nội lúc 5h20 sáng hôm sau.
- Tàu SP6: xuất phát ở ga Lào Cai lúc 21h30, đến ga Gia Lâm lúc 6h23, đến ga Long Biên lúc 6h45.
- Tàu SP8: xuất phát ở ga Lào Cai lúc 18h50, đến ga Hà Nội lúc 3h52.
- Tàu LC4: xuất phát ở ga Lào Cai lúc 9h50, đến ga Gia Lâm lúc 19h48, đến ga Hà Nội lúc 20h15.
- Riêng tàu LC2 đang tạm dừng.
Giá tàu Lào Cai – Hà Nội: rẻ nhất là 121.000đ/ 1 vé (ghế ngồi cứng không điều hòa, tàu LC4), và đắt nhất là 515.000đ/ 1 vé (giường mềm nằm điều hòa tàu SE6).Tàu từ Lào Cai về Hà Nội nào cũng có các chế độ ghế ngồi, giường nằm như nhau nhưng vé sẽ khác nhau vé tàu SP2, SP4, SP8 bằng nhau cho tất cả các vị trí, vé tàu LC4 là rẻ nhất, SP6 là đắt nhất.
Đi bằng xe máy, hay ô tô tự lái
- Lịch trình 1: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phong Châu – Đoan Hùng – Yên Bái – Lào Cai – Sapa (Tổng đường khoảng 360km)
- Lịch trình 2: Hà Nội – Hòa Lạc – Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Cầu Phong Châu – Phong Châu – Đoan Hùng – dọc đường 70 – Lào Cai – Sapa (Tổng đường 370km)
- Lịch trình 3: Hà Nội – Hòa Lạc – Sơn Tây – Thanh Sơn – Dọc QL32 – Sapa (Tổng đường hơn 420km)
Hai lịch trình đầu là hướng đi lên qua Lào Cai, còn lịch trình 3 tuy dài nhưng sẽ đi qua Đèo Ô Quy Hồ, Thác Tình Yêu, Thác Bạc.
Một số lưu ý khi chọn phương tiện đi:
- Với những bạn đi du lịch nên đặt vé trước cả chiều đi và chiều về, nếu đi xe khách thì bạn chọn chuyến xe lên thị trấn Sapa luôn. Với những bạn đi tàu hỏa, tàu sẽ dừng ở thành phố Lào Cai, từ đó lên Sapa còn 35 km nữa. Tới ga bạn có thể ra ngoài bắt xe bus lên Sapa hoặc đi ngay ra ngoài bắt xe khách.
- Xe bus từ Lào Cai lên Sapa bắt đầu từ 5h10, kết thúc lúc 20h15, cứ 30 phút lại có một chuyến, giá xé: 28.000đ, nếu đi trong nội thành phố Lào Cai, và thị trấn Sapa là 10.000đ (xe không sử dụng chỗ đứng). Nếu bạn ra ngoài bắt xe khách đi lên Sapa thì cứ thấy xe nào đông tí thì lên, xe vắng khách thì họ sẽ đợi đoàn tàu sau tới nữa, đủ người mới đi Sapa, trường hợp này thường xảy ra với những chuyến tàu sớm.
Phương tiện đi lại tại Sapa?
Các địa điểm du lịch tại Sapa cách khá xa nhau, nên để tiện du lịch thì bạn nên thuê một chiếc xe máy, đi xe taxi, xe ôm.
- Xe Máy: Giá thuê xe máy trong ngày hiện nay ở Sapa vào khoảng 120.000đ/ 1 xe, chưa bao gồm xăng xe; nhưng ở đây 1 ngày chỉ tính từ 6h-18h, nên bạn nên lưu ý và thỏa thuận nếu về muộn hơn.
- Đi xe ôm: nếu biết thỏa thuận thì bạn có thể đi đến 4-5 điểm du lịch gần nhau với 100.000đ
- Ngoài ra, bạn cũng có thể thuê xe ngoài, hoặc đi theo tour của các đơn vị cung cấp dịch vụ (để biết rõ hơn bạn hỏi trực tiếp ở khách sạn hoặc hỏi người dân ở đây).
Địa điểm du lịch Sapa?
Nhà thờ đá Sapa
Nhà thờ đá này được người Pháp xây dựng năm 1895, phía sau của nhà thờ là núi Hàm Rồng. Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Gotic La Mã, các ô cửa kính tái hiện lại cuộc đời của đức Chúa. Tường, nền nhà, tháp chuông, sân nhà thờ được gắn kết bằng cát, vôi và mật mía. Nhà thờ rộng hơn 500m2, chuông cao 1,5m, tiếng chuông kêu vang trong bán kính 1 km. Nhà thờ đá Sapa mờ ảo trong sương mờ từ lâu đã trở thành biểu tượng của Sapa.
Nhà thờ đá Sapa
Núi Hàm Rồng
Núi Hàm Rồng nằm sát trung tâm thị trấn Sapa, nơi đây được quy hoạch thành khu du lịch từ năm 1996. Vừa lên cái dốc bạn sẽ thấy chố bán vé bên tay trái, bạn mua vé (70.000đ) để được vào, trên dốc đi lên có bán nhiều đồ lưu niệm, thổ cẩm. Khi qua cửa soát vé bạn bắt đầu leo núi, trên đường bạn sẽ bắt gặp rât nhiều loại hoa. Núi có đuôi từ cổng trời, giáp xã Hầu Thào và SaPa, đầu ở trung tâm thị trấn Sapa. Muốn lên được đỉnh núi Hàm Rồng SaPa thì bạn phải đi qua cổng trời 1, cổng trời 2; trên đỉnh núi có nhiều cảnh quan đẹp, núi nhấp nhô trùng trùng điệp điệp, từ đây bạn có thể phóng tầm mắt quan sát được cả thị trấn Sapa.
Từ trên núi Hàm Rồng nhìn xuống
Bản Cát Cát
Địa chỉ: sã San Sả Hồ, huyện Sapa.
Bản Cát Cát cách thị trấn Sapa chừng 2km, bạn có thể bắt xe ôm đi từ thành phố xuống, hoặc bạn có thể thuê xe máy để đi (đi xe ôm thường bị chém 50.000đ – 60.000đ nếu bạn không biết trả giá), ngoài ra, bạn cũng có thể đi bộ nhưng hơi xa đó. Bản là nơi sinh sống của người dân tộc Mông, để được vào bản bạn phải mua xe tham quan (40.000đ/ 1 vé), sau khi mua vé xong bạn sẽ được phát miễn phí bản đồ du lịch bản. Kiến trúc các nhà ở còn giữ nhiều nét cổ, những ngôi nhà 3 gian lợp ván gỗ pơmu, cửa chính của nhà chỉ mở ra khi có việc lớn. Nơi đây còn lưu giữ nhiều phong tục độc đáo, ở đây cũng có nhiều đồ ăn đặc biệt như: rượi ngô, thắng cố, nhái nấu măng, tiết canh gà,..Trong bản Cát Cát có 2 chỗ chính để đi đó là bản và nhà máy thủy điện được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Trong bản có nhiều chỗ bán đồ thổ cẩm, giá cũng không quá đắt, khi mua mặc cả xuống 30.000đ – 40.000đ là mua được rồi. Trong bản còn có chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Bản Cát Cát
Bản Tả Phìn
Bản nằm cách thị trấn Sapa chừng 12km, đây là nơi sinh sống của dân tộc Dao đỏ và H’mông. Sản phẩm nổi tiếng đặc trưng của bản là các sản phẩm dệt thổ cẩm, với đủ kiểu dáng, mẫu mã: ba lô, túi du lịch, khăn, ví đựng tiền, áo choàng,…Thổ cẩm Tả Phìn hiện đã xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Pháp, Đan Mạch,…Ngoài ra, ở đây còn có dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ, giúp lưu thông khí huyết, xoa tan mệt mỏi.
Bản Tả Phìn
Bản này có dịch vụ Homestay, tức là bạn sẽ ăn, ngủ, làm việc cùng gia đình người dân tộc. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý phong tục trước khi thử dịch vụ này.
Thác Bạc, đèo Ô Quy Hồ
Địa chỉ: sãn Sàn Sả Hồ, huyện Sapa.
Thác Bạc nằm cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 12km, thác nằm cạnh quốc lộ 4D, nếu bạn đi theo hướng từ Lai Châu lên Sapa thì bạn sẽ đi qua thác này. Thác là thượng nguồn suối Mường Hoa, ở dưới chân đèo Ô Quy Hồ. Vào những hôm trời quang, đứng từ đỉnh núi Hàm Rồng sẽ thấy thác Bạc trắng xóa, nổi bật trên nền núi xanh.
Đèo Ô Quy Hồ là một trong những đoạn đèo hiểm trở và hùng vĩ nhất nước ta, đèo có chiều dài lên tới 50km, nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, đèo được mệnh danh là “vua đèo vùng Tây Bắc”. Đây cũng là nơi bạn có thể chiêm ngưỡng bông tuyết, băng đá vào những ngày đông nhiệt độ xuống thấp.
Đèo Ô Quy Hồ
Mây bồng bềnh trên đèo Ô Quy Hồ vào sáng sớm
Dưới chân đèo Ô Quy Hồ là vực sâu, nơi có con sông Nho Quế
Thác tình yêu, trạm Tôn
Thác tình yêu nằm gần ngay cổng trời Trạm Tôn (thuộc xã San Sả Hồ) cách thị trấn SaPa chừng 4km. Để lên được tới thác, bạn sẽ phải đi qua đoạn đường đất đỏ, bên đường thấp thoáng hoa đỗ quyên, đi hết đoạn đường rừng này là đến suối Vàng, men theo bờ suối tầm 500m nữa thì đến chân thác. Thác có độ cao tương đối gần 100m, nằm ở độ cao 1800m so với mực nước biển.
Từ Thác Tình Yêu, rẽ qua bên trái đi qua rừng thảo quả (khoảng 15 phút) là lối đi lên đỉnh Phăng- xi – păng. Ở Sapa trời tối rất nhanh nên chừng 16h bạn đã phải rời khỏi thác, đặc biệt trời nhiều sương thì bạn phải rời thác sớm hơn.
Leo Đỉnh núi Fansipan
Đỉnh Fansipan ở độ cao 3.143m, từ lâu đã được mệnh danh là nóc nhà của Đông Dương. Hiện nay có 3 cách để lên đỉnh núi: cách 1 là xuất phát từ bản Cát Cát (37km); cách 2 xuất phát từ bản Sín Chải (cách này là cách dốc nhất), và ngắn nhất là cách xuất phát từ trạm Tôn (16km). Mỗi cung đường có đặc điểm khác nhau: cung đường xuất phát từ bản Cát Cát thì dài nhất, xuất phát từ bản Sín Chải thì dốc nhất, còn xuất phát từ Trạm Tôn là ngắn nhất nhưng lại ít cảnh đẹp hơn, thường thì mọi người hay chọn cách xuất phát từ Trạm Tôn, nếu đi nhanh có thể chỉ mất 1 ngày, chậm thì 2 ngày 1 đêm.
Một số lưu ý khi bạn quyết tâm chinh phục nóc nhà Đông Dương:
- Thời điểm leo núi Phăng – xi – păng thích hợp nhất là từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, vào cuối tháng 2 các loài hoa trên núi sẽ nở rộ khoe sắc.
- Nếu trời mưa hay sương mù dày rất khó để leo núi, bởi đường đèo rất dốc, có những chỗ dốc thẳng đứng phải dùng thang để leo, trời mưa thì muỗi, vắt sẽ xuất hiện,…Những người bị bệnh tim, huyết áp, suy hô hấp hay phụ nữ có thai thì không nên leo núi.
- Trước khi đi bạn nên chuẩn bị sức khỏe thật tốt, rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao sức bền. Để leo núi bạn nên mướn người dẫn đường thông thạo địa hình, nhiệt hình, có thể là người Mông hoặc người dân bản địa ở đây.
- Trên đường leo núi sẽ có 2 chặng nghỉ: ở độ cao 2.200m (vào đêm nhiệt độ ở đây vào khoảng 8-10 độ C mùa đông, hoặc 12-15 độ C mùa hè), ở độ cao 2.800 m (nhiệt độ đêm ở đây vào mùa đông từ 1-5 độ C, mùa hè từ 10 – 15 độ C). Ở mỗi điểm dừng chỉ có sức chứa được 15-20 người nên nếu có nhiều người leo núi thì có thể sẽ không còn chỗ, bạn nên thuê mang theo lều ngủ (có nhiều loại: 2 người, 3 người, 10 người,…), lều ngủ này bạn có thể thuê ở dưới thị trấn Sapa.
Đỉnh núi Fansipan
Chuẩn bị hành trang leo núi:
- Yêu cầu chung là: Gọn nhẹ giữ ấm khi lạnh, thoát khí nóng, chống trầy xước , dễ cử động, thấm mồ hôi, chống nước, chống vắt, côn trùng.
- Giày leo núi có nhiều loại tuỳ theo thời tiết mà ta chọn loại giày cho thích hợp. Nếu trời nắng nên chọn loại của bộ đội là tốt nhất vì loại này mềm dễ di chuyển lại thoáng không bị ra mồ hôi chân, dây trên cổ rất sát cổ chân và chắc chắn, Nên chọn cỡ giày vừa với chân mình không được kích chân sẽ đau chân, có đế mềm và ma sát tốt khi di chuyển loại này ở Sapa bán rất nhiều và rẻ.
- Giày thích hợp là loại bằng da, cao cổ (cao hơn mắt cá chân một chút), có gai bám bằng cao su (bám đá tốt hơn nhựa mềm). Nên chọn giày theo tiêu chí “bền – bám đường” đặt lên trên.
- Gậy leo núi: có thể sử dụng gậy bằng kim loại nhẹ hoặc cây trúc già làm gậy
- Giày chống nước, cao cổ và bám đường.
- Găng tay: Có gai cao su, loại này mỏng rất thoải mái khi làm các việc như chụp ảnh, bám vào sườn núi, cành cây…
- Bọc cổ chân, gối
- Quần áo: nên mang theo bộ quần áo chất cotton mềm thoáng gọn gàng rễ di chuyển. Nếu có quần áo trống thấm nước thì hãy mang đi.
- Mũ đội đầu: bạn nên mang theo chiếc mũ rộng vành, đội để trống gió, ngoài ra cũng nên mang theo mũ len trùm đầu, tai khi đi ngủ.
- Balo: Chọn balo chắc chắn, không cần quá to.
- Khăn
- Đèn pin: mỗi người nên mang theo một cái đèn pin nhỏ loại tích điện tốt.
Một số chú ý khác: Sóng điện thoại ở đây khá yếu, nhiều điểm không có sóng, nên trước khi đi bạn có thể qui định tín hiệu liên lạc: như điểm dừng chờ nhau; dùng còi, bộ đàm, đèn, pháo bông, đánh dấu đường. Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo túi linong để đựng điện thoại, máy ảnh vì thời tiết ở đây khá ẩm, dễ mưa.
Một số điều tối kị khi vào thăm bản ở Sapa
Theo kinh nghiệm du lịch Sapa của mình thì ở đây có rất nhiều điều cấm kị, tuy nhiên những điều này đối với người dưới xuôi là bình thường. Do đó, bạn nên biết trước những điều này để đề phòng:
- Ngôi nhà của dân bản, gian giữa là nơi thờ cúng, khách không được phép ngồi. Vào nhà phải theo hướng dẫn của chủ nhà, với người Mông, ghế đầu bàn là ghế dành cho cha mẹ, dù cho cha mẹ đã đi gặp tiên tổ, khách không được ngồi vào chiếc ghế thiêng liêng đó.
- Khi tới thăm bản Cát Cát, Tả Phìn, Tả Van của người Mông và người Dao, nếu bản đang bận cúng thần hay đuổi tà ma, họ sẽ để trước cổng bản chùm lá xanh treo trên cây cột cao, ý muốn tránh cho người lạ tham dự, bạn nên để ý.
- Đi lại trong bản không cười đùa, không xoa đầu, hôn đầu trẻ con bởi ở đây họ cho rằng làm thế trẻ dễ bị ốm, sài.
- Ở bản sẽ có những khu vực cấm, rất linh thiêng như: khu rừng cấm, gốc cây cổ thụ xum xuê cành lá, hòn đá kỳ vĩ thờ thần thánh…những nơi đó thì bạn không nên dừng chân ngồi nghỉ, tán dóc ở đó. Ngoài ra đi lại trong bản thì không được huýt sáo.
Nhà nghỉ giá rẻ ở Sapa?
Bạn có thể tham khảo các nhà nghỉ sau:
- Nhà nghỉ Quốc Thái (trên đường Fansipang), giá từ 200.000đ/1 đêm, sdt: 0203.871384
- Hoàng Phương sát khách sạn công đoàn, cách nhà thờ khoảng 200m, cách bến xe khoảng 700m, ngay sát chợ và núi Hàm Rồng, vừa yên tĩnh, giá cả cũng phải chăng, khoảng 250k/ngày đêm (Lễ Tết thì khoảng 300k).
- Khách sạn Mimosa ngay dưới chân chợ, giá khoảng 250.000đ/đêm, sdt: 0203.871 262
- Khách sạn Mùa Xuân, gần chợ Sapa, gần nhà thờ đá, giá phòng ngày thường 250.000đ, cuối tuần vào khoảng 300.000đ, sdt: 0203871380
- Nhà nghỉ Cô Vương, địa chỉ: số 10 phố Thạch Sơn. Giá phòng từ 300.000đ – 350.000đ, sdt: 01677604658.
- Nhà nghỉ Khuyên Ngọc, sdt: 0983636350, 0203872449
- Khách sạn – nhà hàng Little Sapa II (38 Cầu Mây), sdt: 020871238
Ăn gì ở Sapa?
Các món ăn đặc trưng của Sapa:
- Canh chua cá hồi
- Thắng cổ
- Lẩu tai
- Mầm đá
- Lợn bản
- Bánh ngô
- Bánh giầy
- Thịt sấy
- Đồ nướnh
- ….
Một số lưu ý khi ăn đồ ăn ở Sapa:
- Quán phở Hoàng Ngân ở ngay bên phải nhà thờ đá được nhiều người đánh giá là rất ngon, rẻ.
- Quán Anh Dũng (số 69 Xuân Viên) cũng được rất nhiều người tới đây.
- Nếu ăn thắng cố bạn có thể ăn ở số 15 Thạch Sơn, (A Quỳnh).
- Buổi tối bạn có thể di dạo ăn đồ nướng đêm ở bên hông nhà thờ, đồ ăn ở đây rất nhiều nhưng giá cũng không mềm đâu nha. Nhưng mà đồ ăn ở đây phải nói là tuyệt ngon, cho nên bạn nên thưởng thức mỗi thức một tí, không bạn sẽ phải hối tiếc đấy.
Mua gì làm quà du lịch Sapa?
Bạn có thể tham khảo một số đặc sản của Sapa để làm quà như :
- Mận hậu, cuối tháng 5 sẽ có mận, giá từ 20.000đ – 30.000đ/ 1 kg.
- Tầm tháng 2 âm là bắt đầu có đào Sapa, giá khoảng 60.000đ/ 1 kg, đúng mùa thì đào có giá rất rẻ 30.000đ – 40.000đ/ 4kg.
- Mắc cọp (hay còn gọi là lê Sapa), táo mèo : khoảng tháng 9 sẽ có.
- Nấm hương, mùa hạ sẽ có, vào đầu mùa hạ giá nấm tươi khoảng 50.000đ/ 1 xâu.
- Thịt trâu sấy khô, giá khoảng 800.000đ – 1.000.000đ/ 1 kg.
- ….
Trên đây là kinh nghiệm du lịch Sapa của mình, hi vọng sẽ giúp bạn có chuyến du lịch hữu ích nhất và tiết kiệm nhất.